Đời sống - Xã hội

Hàng trăm hộ đồng bào DTTS vùng cao Tương Dương tự nguyện viết đơn thoát nghèo

17:34, 14/03/2020
Theo thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2019, huyện vùng cao Tương Dương có gần 500 hộ đồng bào DTTS tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Dù cuộc sống của những hộ gia đình này chưa hẳn đã sung túc, nhưng trong sâu thẳm suy nghĩ của bà con đó là lòng tự trọng, là mong muốn, là khát vọng tự lực tự cường vươn lên trong cuộc sống. Đây là một hành động đẹp, cho thấy sự thay đổi về nhận thức, rũ bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân ở huyện miền núi vùng cao còn nhiều khó khăn này…

Đua nhau xin thoát nghèo

Khi đến thăm các hộ gia đình làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo trong năm 2019, thì nhiều hộ vẫn đang thực sự rất khó khăn. Tuy nhiên, các hộ gia đình đều có một điểm chung là nhận thức được trách nhiệm nỗ lực vươn lên và ý thức trong việc sẻ chia, hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình…

 
 Vợ chồng ông Mộng Văn Hoàn, bản Xiêng Hương (đứng giữa) cùng cán bộ xã Xá Lượng trước ngôi nhà khang trang mới xây dựng của gia đình.

Gia đình ông Mộng Văn Hoàn trước đây thuộc diện hộ nghèo của bản Xiêng Hương xã Xá Lượng. Bản thân ông bị bệnh hiểm nghèo, cộng thêm ảnh hưởng của đợt xả lũ năm 2018, nên cuộc sống gia đình đã khó khăn lại càng vô cùng khó khăn. Thực hiện chủ trương di dời về khu tái định cư, gia đình ông viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo. Nhờ con cái chịu khó làm ăn, đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, tích cóp tiền gửi về cho bố mẹ. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay gia đình ông đã xây dựng được một nhà khang trang, rộng rãi.

Lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo của chị Lượng Thị Nhuần, bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, Tương Dương.
Lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo của chị Lượng Thị Nhuần, bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, Tương Dương.

Ở cùng bản Xiêng Hương, chị Lương Thị Nhuần có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Chồng chị mất sớm, một mình chị nuôi 2 con nhỏ. Nhưng với sự chịu thương chịu khó, chị xin đi làm công ty, dành dụm, gom góp, nay chị đang xây dựng một ngôi nhà 2 tầng thoáng mát, rộng rãi làm chỗ ở cho 3 mẹ con. Bên ngôi nhà đang xây dở, chị Nhuần chia sẻ “Tuy cuộc sống của gia đình khó khăn, nhưng nhìn những hộ dân trong xóm, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đông con còn khó khăn hơn mình rất nhiều, do vậy trong tháng 9 năm 2019, tôi đã tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Nội dung trong đơn là mong muốn Nhà nước dành phần hỗ trợ cho những  người có hoàn cảnh khó khăn hơn”.

 
 Lãnh đạo xã Lưu Kiền đi thăm, nắm tình hình đời sống của các hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo ở bản Con Mương.

Những năm trước đây, hộ gia đình ông Lô Văn Sơn ở bản Con Mương xã Lưu Kiền cũng được hưởng chế độ hộ nghèo. Nhờ chú tâm làm ăn, đến nay gia đình ông cũng đã có của ăn của để, niềm vui không kể sao cho xiết. Nhận thấy kinh tế có phần khá giả hơn trước, ông Sơn đã viết đơn xin ra khỏi diện nghèo trong đợt vừa qua. Song, để đi đến quyết định này, vợ chồng ông cũng phải suy nghĩ rất kỹ. Bởi, ra khỏi hộ nghèo đồng nghĩa với việc gia đình ông sẽ không được nhận các khoản hỗ trợ cho hộ nghèo. Nhưng với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, ông bà đã không ngần ngại chăm chỉ làm ăn, ngoài chăn nuôi, trồng trọt, con cái còn đi làm thêm ở công ty để tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

 
 Nhờ chăm chỉ chịu khó, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, gia đình ông Vi Văn Thanh ở bản Con Mương, xã Lưu Kiền đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, rộng rãi.

Tương tự ông Sơn, gia đình ông Vi Văn Thanh ở cùng bản cũng đã viết đơn xin thoát nghèo, bởi ông suy nghĩ kinh tế gia đình hiện nay đã có phần đỡ vất vả, nên quyết định nhường suất hộ nghèo cho những người khó khăn hơn, chứ không muốn ngồi không chờ hỗ trợ của Nhà nước.

Những lá đơn xin thoát nghèo
Những lá đơn xin thoát nghèo của các hộ gia đình ở bản Con Mương, xã Lưu Kiền.
Nhìn chung, đại bộ phận đời sống nhân dân huyện miền núi vùng cao Tương Dương hiện nay vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tính đến cuối năm 2018, hộ nghèo trong toàn huyện là 5.441 hộ, chiếm 30,47%; Hộ cận nghèo: 3.701 hộ, chiếm 20,73%. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các ngành, trong và ngoài huyện, và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân huyện Tương Dương, trong năm 2019 đã có 1.263 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 24,28%. Đáng biểu dương, ghi nhận là có tới 490 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Nhiều xã nghèo có số hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo lớn như Lưu Kiền, Mai Sơn, Yên Thắng, Lượng Minh, Hữu Khuông...

Chung tay vì người nghèo

Những năm qua, chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Tương Dương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một vấn đề đáng trăn trở, đó là trước sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, một bộ phận người dân nghèo lại nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo. Bởi vậy, việc hàng trăm hộ nghèo mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo và nỗ lực lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững đã thực sự tạo nên luồng sinh khí mới cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Tương Dương.

 
Cuộc sống của 490 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo ở huyện vùng cao Tương Dương cơ bản ổn định.

Bà con đã mạnh dạn vươn lên thoát nghèo bằng những điều kiện thực tế tại địa phương. Tiêu biểu như mô hình trồng rau sạch ở xã Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng nguyên liệu như ở xã Tam Quang, Yên Na, Yên Tĩnh, Tam Hợp...Bên cạnh đó, những lao động trẻ đi làm việc ở các công ty trong và ngoài nước cũng đã góp phần nâng cao thu nhập và thoát nghèo ở các địa phương. Nhờ vậy, đến nay đời sống của 490 hộ tự nguyện viết đơn thoát nghèo cơ bản ổn định.

 
 Mô hình nuôi bò nhốt là hướng đi hiệu quả của bà con nông dân Tam Quang.

Để có được gần 500 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo trong năm 2019, huyện Tương Dương đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách quan trọng. Trong đó, tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo; Bên cạnh đó nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đơn vị trong việc thực hiện giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo theo Đề án của tỉnh và huyện, tạo điều kiện khuyến khích động viên các hộ tham gia đăng ký thoát nghèo. Huyện còn quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, như tổ chức và tham gia các hội chợ về mua bán trao đổi sản phẩm hàng hóa, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, in logo lên các loại hàng hóa.. để giới thiệu sản phẩm của địa phương, khuyến khích nhân dân mở các địa điểm bán rau, củ, quả, sản phẩm mây tre đan...

 
 Mô hình trồng rau sạch ở thị trấn Thạch Giám.
Đồng thời, huyện tăng cường công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước, đi xuất khẩu lao động...Tăng cường công tác đào tạo nghề nông nghiệp; đổi mới phương thức chăn nuôi và trồng trọt, chú trọng đến cây giống, con giống phù hợp với điều kiện thời tiết và khí hậu từng vùng, miền; Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo tại thực địa, giúp người dân nắm bắt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, các phương thức tổ chức chăn nuôi, trồng trọt; Nhân rộng các mô hình hộ như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch ở Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng, mô hình nuôi bò nhốt ở Tam Quang, nuôi bò vỗ béo ở Tam Hợp...Một chính sách được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện đó là ưu đãi tín dụng đối với các hộ nghèo. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh ĐBKK được tiếp cận và vay vốn tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức xã hội - chính trị để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động.
 
Mô hình trồng cây nghệ đỏ giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở Tam Hợp vươn lên thoát nghèo.

Tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo chứng tỏ một điều tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước của đồng bào các dân tộc vùng cao Tương Dương đang dần được đẩy lùi. Dẫu vậy, trọng trách xóa đói giảm nghèo ở Tương Dương vẫn còn là “gánh nặng” đối với địa phương. Song, với việc thực hiện có hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước, bằng ý thức vươn lên của bà con , tin rằng trong thời gian không xa, huyện nghèo tương Dương sẽ thực hiện thành công công cuộc xóa đói giảm nghèo. 
 

Hiến Chương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện