Đời sống - Xã hội

Ký ức về Tháng Tư lịch sử của những cựu binh người dân tộc Thái

15:41, 29/04/2020
Chiến dịch Tây Nguyên (4/3/1975 – 3/4/1975) có ý nghĩa chiến lược to lớn, đánh tan mắt xích quan trọng của nguỵ quân, ngụy quyền ở Buôn Mê Thuột, mở màn cho thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mặc dù đã 45 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng đó vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của 2 cựu chiến binh người dân tộc Thái – những nhân chứng lịch sử, những chiến sỹ Sư đoàn 316, Quân đoàn 3 ngày ấy.

Thật tình cờ trong những ngày tháng 4 này, tôi có dịp lên huyện miền núi Quỳ Châu, được gặp và được nghe hai người lính cựu binh, người dân tộc Thái là Lang Quốc Chính (SN 1958) và Vi Văn Chung (SN 1956), cùng trú tại Hợp tác xã Hạnh Minh Khai, xã Châu Hạnh kể về những trận đánh trong Chiến dịch Tây Nguyên lịch sử năm xưa. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng khi nhớ về chiến dịch Tây Nguyên - Chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, trên khuôn mặt hai ông vẫn rạng ngời, bồi hồi xúc động như câu chuyện mới vừa diễn ra ngày hôm qua.

Hai cựu chiến binh Lang Quốc Chính và Vi Văn Chung cùng nhau xem lại những kỷ vật thời chiến đấu.

Là những người con của đồng bào dân tộc Thái nơi núi rừng Tây Bắc Nghệ An, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 10/1974, hai ông đã cùng nhau xung phong nhập ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ, lúc đó chỉ mới vừa tròn 16 và 18 tuổi.

Lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 25, Sư đoàn 316, Quân đoàn 3, sau hơn một tháng rưỡi huấn luyện thì đơn vị hai ông hành quân tiến vào chiến đấu ở mặt trận B3 Tây Nguyên. Chặng đường hành quân đi dọc đường Trường Sơn qua đường 9 - Nam Lào, sau đó rẽ vào đường mòn Hồ Chí Minh, qua Khe Sanh để tiến quân vào Ngã ba Đông Dương. “Đó là quãng thời gian đầy gian nan, khó khăn và vất vả mà những người lính trẻ mới nhập ngũ như chúng tôi phải trải qua khi đối mặt là “mưa dầm, cơm vắt” trong rừng, địa hình thì hiểm trở, khí hậu thì khắc nghiệt, độc hại... Mặc dù khó khăn là vậy, tuy nhiên, mỗi người chúng tôi trong đơn vị, ai ai cũng vững một niềm tin, một ý chí quật cường, để đảm bảo tập kết đúng thời gian theo kế hoạch của chiến dịch”, cựu chiến binh Lang Quốc Chính bồi hồi nhớ lại.

Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10-3-1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh Tư liệu TTXVN
Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10-3-1975 trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh Tư liệu TTXVN

Tiếp đó, đơn vị hai ông hành quân trong rừng liên tục 1 tuần liền mới dừng và đóng quân tại địa điểm được gọi là A2 thời ấy, cách thị xã Buôn Mê Thuột khoảng 30 km để chuẩn bị cho trận đánh tại chiến trường B3 Tây Nguyên.

“Đối với lực lượng hành quân luôn phải bảo đảm bí mật, ngụy trang kỹ lưỡng, ngày vào rừng, tối hành quân và đi đến đâu ngụy trang, xóa dấu vết đến đó. Hành quân liên tục và khi đến nơi thì chúng tôi mới biết đó là đánh chiến trường B3 Tây Nguyên” - cựu chiến binh Vi Văn Chung cho biết.

Tại địa điểm A2, do yêu cầu bí mật của chiến dịch rất cao nên các đơn vị tham gia chiến đấu phải thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt. Trong khi đó, từ vị trí tập kết đến thị xã Buôn Ma Thuột đường rất xa, cùng với đó là vận chuyển theo một lượng vũ khí và khí tài quân sự lớn... nên việc tiến vào trận địa theo đúng thời gian quy định hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi mỗi lực lượng hành quân phải có tinh thần trách nhiệm cao, trình độ tổ chức vững vàng, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương mới hoàn thành được nhiệm vụ theo quân lệnh cấp trên.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa thất bại thảm hại và phải tháo chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên (ảnh tư liệu)
Quân đội Việt Nam Cộng hòa thất bại thảm hại và phải tháo chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên (Tư liệu)

Sau khi chuẩn bị và chiếm lĩnh trận địa, đến đêm ngày 9/3/1975, nhận được lệnh tiến công lên căn cứ nơi lính nguỵ đóng ở cứ điểm 500, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu là trinh sát và đặc công phá tan lô cốt, hàng rào đồng thời đánh tan cứ điểm quân địch. Sáng ngày 10/3/1975, đơn vị 2 ông phối hợp với các đơn vị khác đã tiến vào thị xã, chiếm cứ, tiến hành truy kích và bắt được rất nhiều quân địch đầu hàng.

Cựu chiến binh Lang Quốc Chính – người tham trận đánh quyết định, giải phóng Buôn Mê Thuột, nhớ lại: “Lúc chúng tôi và đồng đội đánh xong rồi, từ cứ điểm 500 nhìn xuống thị xã Buôn Mê Thuột, tâm trạng chúng tôi vui sướng, phấn khởi lắm”.

Ảnh ông Vi Văn Chung (trái) chụp cùng đồng đội năm 1975.

Với cuộc tiến công của Quân đoàn 3 nói chung, Sư đoàn 316 nói riêng ngày đó, lực lượng của địch ở Buôn Mê Thuột đã hoàn toàn bị tan rã, sụp đổ. Sau chiến thắng ở Buôn Mê Thuột, hai ông cùng đồng đội tiếp tục hành quân vào Tràng Bàng, Tây Ninh, thuộc vùng ngoại ô của Sài Gòn để phối hợp cùng các sư đoàn khác tiến vào Dinh Độc Lập, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Với người cựu binh Lang Quốc Chính, giây phút lá cờ Tổ quốc tung bay trên Dinh Độc Lập trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày ấy, mãi mãi in sâu trong tâm thức của ông. "Những năm tháng ấy, trận đánh ấy trong tâm thức mỗi chúng tôi chỉ có tinh thần quyết chiến, tinh thần đồng chí, đồng đội, tinh thần dân tộc, mãi mãi không bao giờ quên”, ông Chính xúc động kể lại.

Người lính cựu binh Lang Quốc Chính.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, hai ông cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 316 tiếp tục được lệnh hành quân ra Bắc và đóng quân tại tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ, nay là các tỉnh Yên Bái, Lào Cai.. để tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới.

Được biết, ông Lang Quốc Chính, xuất ngũ năm 1993, về địa phương làm Đội trưởng Đội sản xuất Nông nghiệp, bản Đồng Minh. Đến năm 2004, ông làm Phó Chủ tịch HĐND xã Châu Hạnh và về hưu từ năm 2018. Sau đó, ông tham gia sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh huyện Quỳ Châu cho đến nay.

Với cựu chiến binh Vi Văn Chung ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử vẫn còn vẹn nguyên.

Còn với cựu chiến binh Vi Văn Chung, ông tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên tuyến biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu năm 1979. Đến năm 1988, ông được điều động tham gia chiến đấu ở khu vực biên giới Hà Tuyên. Sau đó, ông xuất ngũ năm 1990 và trở về địa phương giữ các chức vụ như: Công an viên, Bí thư, Trưởng bản…

Trở về địa phương, dù công tác ở cương vị nào thì 2 người cựu chiến binh vẫn luôn phát huy bản lĩnh người lính năm xưa; gương mẫu, nhiệt tình trong công việc cũng như trong cuộc sống đời thường; luôn là tấm gương sáng cho con, cháu học tập và noi theo.

Những tấm Huân chương, Huy chương, những kỷ vật ghi dấu một thời khói lửa, bom đạn luôn được hai ông cất giữ một cách cẩn thận.

45 năm đã trôi qua, nhưng những tấm Huân chương, Huy chương cũng những tấm hình đã phai màu, chiếc bi đông, cặp lồng,... những kỷ vật ghi dấu một thời khói lửa, bom đạn luôn được hai ông cất giữ một cách cẩn thận . Bởi  với 2 ông, đó là những kỷ niệm mãi không quên được của một thời tuổi trẻ, cống hiến, chiến đấu hết mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Tháng Tư lịch sử, cùng những người lính cựu binh ôn lại ký ức hào hùng năm xưa như một lần nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình, biết ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc.

Kế Kiên

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện