Vốn quê gốc ở Diễn Châu, năm 1984, khi mới 6 tuổi chị Hường đã cùng bố mẹ đến khai phá mảnh đất Châu Thành. Hơn 30 năm sinh sống trên mảnh đất Châu Thành, chị Hường đã hiểu được các phong tục tập quán, tiếng nói của địa phương nên người dân nơi đây rất quý mến gia đình chị.
Với sự cần cù chịu khó, từ 2 bàn tay trắng vợ chồng chị Hường đã gom góp gây dựng kinh tế cho gia đình mình ngày càng no đủ. Năm 2012, chị Hường đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp để đầu tư mở mang sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ ngày càng hiệu quả. Phát huy lợi thế của địa phương, gia đình chị đã đầu tư trồng gần 20ha keo lai. Hiện tại rừng keo đã được 6 năm tuổi hứa hẹn đem về nguồn thu nhập lớn cho gia đình chị trong năm tới.
Vợ chồng chị hường chăm sóc rừng keo lai rộng gần 20ha của gia đình. |
Ngoài trồng rừng gia đình chị còn làm ruộng, kinh doanh dịch vụ, đầu tư chăn nuôi bò đàn, khi nhiều đàn bò lên đến 50 con. Quán ăn sáng, kinh doanh giải khát của gia đình chị cũng luôn đông khách, phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài địa bàn, góp phần vào nguồn thu nhập chung của gia đình chị.
Gia đình chị Hường phát triển mô hình chăn nuôi bò đàn tại địa phương. |
Chị Nguyễn Thị Hường, Bản Tiến Thành, xã Châu Thành, Qùy Hợp chia sẻ: "Tôi có một gia đình nhỏ, chồng là người dân tộc Thái và 2 con, kinh tế thì buôn bán kinh doanh nhỏ góm góp dần lên rồi trồng rừng, chăn nuôi trâu bò. Các nguồn thu từ sản xuất, trồng rừng, kinh doanh cho gia đình chị thu nhập 1 tháng trung bình từ 20 – 30 triệu đồng. Tôi tham gia phụ trách tổ vay vốn Ngân hàng nông nghiệp, Ngân hàng chính sách, tham gia hội phụ nữ của bản. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi tư vấn giúp đỡ một số chị em trong bản phát triển kinh tế, vay vốn xóa đói, giảm nghèo".
Bản Tiến Thành là bản trung tâm của xã vùng cao Châu Thành, có 142 hộ hơn 600 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Thái. Trong những năm qua thực hiện phong trào thi đua yêu nước người dân trong xã nói chung, bản Tiến Thành nói riêng đã đoàn kết chăm lo phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ngày càng phát triển. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường là tấm gương tiêu biểu trong phong trào này của bản và của xã Châu Thành.
Một góc bản Tiến Thành, xã vùng cao Châu Thành, Quỳ Hợp. |
Thực hiện phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020, xã Châu Thành có 2 hộ được bình bầu đi dự Hội nghị điển hình tiến tiến cấp huyện. Trong đó, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hường là nổi bật nhất. Ngoài mức thu nhập cao từ 300 đến 350 triệu đồng/năm, gia đình chị Hường có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo ra hàng trăm ngày công lao động cho người dân địa phương cũng như giúp đỡ được nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo. Gia đình chị Hường được đề nghị Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen.
Ông Hà Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: "Xã Châu Thành là một xã vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Hợp. Với chủ trương sát đúng của Đảng ủy, chính quyền địa phương thường xuyên phát động phong trào thi đua yêu nước đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của bà con nhân dân. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. 2 hộ gia đình anh Quân, chị Hường là những hộ gia đình tiêu biểu cho phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình và hàng năm tạo ra nhiều công ăn việc làm, tích cực tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo của xã và có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng NTM, góp phần đưa các phong trào của xã Châu Thành ngày càng phát triển".
Với những cố gắng của người dân trong việc chăm lo phát triển kinh tế và đóng góp của cá nhân gia đình chị Nguyễn Thị Hường đã góp phần làm “thay da đổi thịt” ở một vùng quê miền núi đông đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn như Châu Thành./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin