Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Tương Dương có 9/17 xã, thị trấn có người dân tộc Ơ Đu đang sinh sống

17:40, 12/08/2020
Qua khảo sát thực tế, hiện nay người dân tộc Ơ Đu sinh sống rải rác trên khắp địa bàn toàn huyện Tương Dương (Nghệ An). Tính đến ngày 31/7/2020, toàn huyện có tới 17/146 bản, làng; 9/17 xã, thị trấn có người dân tộc Ơ Đu đang sinh sống với tổng số 135 hộ, 568 khẩu.
Nhà truyền thống của đồng bào người dân tộc Ơ Đu tại lễ hội Đền Vạn.

Để triển khai thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào người dân tộc Ơ Đu một cách kịp thời, đúng đối tượng, huyện Tương Dương vừa tổ chức đợt khảo sát, thống kê số liệu người dân tộc Ơ Đu đang sinh sống trên địa bàn huyện.

Tết mừng tiếng sấm đầu năm (Tết Chăm Phtrong) là phong tục độc đáo, ít ỏi còn được lưu giữ đến ngày nay của đồng bào Ơ Đu. Khi có tiếng sấm đầu tiên, người Ơ Đu làm lễ cúng tạ ơn trời đất và bắt đầu một mùa canh tác mới. Lễ hội mừng tiếng sấm đầu năm còn là dịp để người Ơ Đu gửi gắm ước nguyện mong tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, dân làng đoàn kết và đón một năm mới làm ăn suôn sẻ, phát đạt.

Theo đó, kết quả khảo sát, thống kê trực tiếp từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tương Dương hiện có 17/146 bản, làng; 9/17 xã, thị trấn có người dân tộc Ơ Đu đang sinh sống với tổng số 135 hộ, 568 khẩu. Trong đó, số nhân khẩu là người dân tộc Ơ Đu gồm 383 người. Còn lại 185 khẩu có quan hệ ruột rà với nhau là ông bà, cha mẹ, con dâu, con rể, cháu, chắt.. thuộc các dân tộc khác như Thái, Khơ Mú, Kinh sống chung trong các gia đình có người Ơ Đu.

Hiện chỉ có bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương còn lưu giữ lại được lễ "Tết mừng tiếng sấm đầu năm" gần như nguyên vẹn. Lễ vật mừng tiếng sấm được đồng bào bày trên chiếc mâm mây đặt dưới sân trước nhà sàn. Trong buổi lễ, thầy cúng thay mặt cho bà con cầu mong trời đất, tổ tiên, dòng họ và linh hồn người Ơ Đu phù hộ cho bản mường một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt, hái lượm.

Đặc biệt, tại 4 bản của xã Nga My, bao gồm: bản Văng Môn, Bản Pột, Bản Bay và bản Xốp Kho có số người dân tộc Ơ Đu sinh sống đông nhất với 112 hộ.

Trang phục của đồng bào dân tộc người Ơ Đu

Ngoài 135 hộ nói trên, hiện nay trên địa bàn huyện Tương Dương còn có 6 hộ gia đình với 24 nhân khẩu có giấy tờ nhân thân, hộ tịch không phải người Ơ Đu. Tuy nhiên, các hộ này đều có nguyện vọng tìm lại tổ tiên, xác định lại dân tộc Ơ Đu. Đến nay, đại diện các hộ đã có đơn gửi lên các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Về phía huyện Tương Dương cũng đã có văn bản hướng dẫn các xã liên quan cử cán bộ xuống trực tiếp, giúp đỡ các hộ gia đình này thực hiện quy trình xác định lại thành phần dân tộc theo quy định của pháp luật.

 

PV

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện

    Xem thêm