Đời sống - Xã hội

Người nhà làng

13:40, 11/12/2020
“Cái tình, cái nghĩa của bà con; tiếng cối giã gạo bằng sức nước, tiếng cồng chiêng và điệu múa của em gái Thái mà tôi chỉ dám liếc nhìn… cứ theo mãi suốt cả cuộc đời. Tôi phải làm gì đó, phải viết gì đó để trả cái nợ ân tình với bà con”, đó là tâm sự của nhạc sỹ Dương Hồng Từ - người vừa cho ra mắt ba cuốn sách về văn hoá cổ truyền, âm nhạc dân gian của một số dân tộc thiểu số ở Nghệ An.
“Người nhà làng” – nhạc sỹ Dương Hồng Từ
“Người nhà làng” – nhạc sỹ Dương Hồng Từ

Tôi đã không sai khi gọi ông là “người nhà làng”, cách bà con tự gọi về dân tộc mình. Bởi, nếu không phải “người nhà làng”, hẳn ông đã không thể say sưa nghiên cứu, không đủ đam mê để trèo đèo lội suối, có khi cả chục bận, chỉ để ghi lại một điệu khèn sắp bị mai một.

Tình cá – nước

Ở giữa trung tâm thành phố Vinh (xóm Xuân Hùng, xã Hưng Lộc), nhà ông vẫn giữ nguyên góc bếp lửa, đun bằng củi. Dù đã bước sang tuổi tám mươi và cái rét căm căm đầu Đông cũng không làm ông thôi háo hức nói về văn hoá của người Mông, Thái, Thổ. Rít một hơi thuốc lào thật sâu, nhấp ngụm chè xanh đặc quánh, nhạc sỹ già Dương Hồng Từ chậm rãi về câu chuyện “người nhà làng”.

Nhà tôi nghèo lắm, nghèo không thể tả được. Mẹ tôi phải đi hái trộm rau để chống đói cho cả nhà. Hình ảnh bà vừa vớt rau ra rổ, liền bị chủ ruộng chạy đến, giật đôi đũa bếp đánh tới tấp vào tay cứ ám ảnh tôi đến mãi hôm nay. Thế mà mẹ vẫn lo cho tôi được học hết lớp 7. Tốt nghiệp cấp 2, tôi xung phong đi bộ đội (tháng 2/1960), được biên chế vào lực lượng Công an vũ trang Nghệ An (nay là Bộ đội biên phòng), đóng quân khắp các huyện biên giới Việt – Lào. 

 

Có lẽ xuất phát từ cái nghèo đói của nhà mình, mà tôi rất đồng cảm với sự khốn khó của bà con các dân tộc ở vùng biên. Đến với bản làng, thay vì bỡ ngỡ, xa lạ, tôi lại thấy ấm cúng, gần gũi như chính ở quê mình vậy. Tôi yêu bà con, yêu tiếng suối, tiếng chày từ lúc nào không biết. Ngay cả khi được cử đi học đàn accordion (phong cầm) ở Hà Nội, tiếng cối giã gạo bằng sức nước chậm rãi thình…thịnh, tiếng cồng mà chúng tôi phiên ra “bên ni đèo, bên tê động”… cứ văng vẳng bên tai. Tôi nhớ bản làng đến khó ngủ, cứ mong học xong để trở về với bà con.

Đoạn ông im lặng, cố ghìm cơn xúc động: “Năm giặc Mỹ bắn phá ác liệt, đường tiếp tế bị cắt, bà con khó khăn là thế mà vẫn nhường ngô cho bộ đội. Hết muối, chúng tôi phải vỗ thùng đựng cá khô để vảy cá rơi ra, giã lên làm muối, quân và dân cùng tằn tiện từng tí một. Năm 1963, tôi được tham gia cùng đoàn văn công của tỉnh đi biểu diễn phục vụ bà con. Nghệ sỹ Song Thao vừa hát hay lại vừa xinh đẹp, vào vai cô gái Mông trong tiết mục “Trước ngày hội bắn”, làm cho bà con thích thú, nhưng bọn phỉ thì điên lắm. Kế hoạch bắt cóc Sông Thao được bọn chúng bàn bạc rất kỹ lưỡng. Khi đèn măng xông vừa vụt tắt, phỉ ập đến, nhưng chúng đã thất bại, vì bà con báo trước nên ta có phương án bảo vệ an toàn”.

Rồi ông chuyển công tác về Ty Văn hoá Nghệ An, nỗi niềm “làm việc gì đó cho đồng bào” vẫn cứ trĩu nặng. Ngặt là điều kiện, thời gian, tài chính chưa cho phép ông có những chuyến điền dã đến nơi đến chốn.

Năm 2002, nghỉ hưu, kế hoạch trở lại Kỳ Sơn, nơi ông luôn coi là quê hương thứ hai của mình đã được thực hiện. “Giá vé xe khách từ Vinh đi Kỳ Sơn lúc bấy giờ là 60.000 đồng, nhưng thuê xe lai vào bản thì phải đến hàng trăm nghìn. Thế là tôi chạy xe máy luôn cho nó tiện, 300 cây số chứ mấy”, nhạc sỹ Dương Hồng Từ nhớ lại. 

Với ông, quãng đường ấy, đèo cao vực sâu không là khó khăn, mà nan giải nhất là làm sao tìm được các nghệ nhân, làm sao để họ chịu mở lời. Những cụ già nghễnh ngãng, điệu nhớ, câu quên, phải kiên trì mới mong có thu hoạch. Rồi cả những tín ngưỡng, tập tục kiêng cữ, đâu phải gặp một lần mà xong. Thế là bao nhiêu vốn liếng về dân vận, bao nhiêu kỷ niệm với đồng bào từ thời bộ đội được ông huy động vào công cuộc sưu tầm này. 

“Kiêng kị nhất là tiếng khèn đám tang được thổi ở chỗ khác, thế mà tôi đã thuyết phục được họ không chỉ thể hiện mà còn lí giải rành mạch về ý nghĩa, giai điệu, tiết tấu... Khổ lắm, nhiều hôm máy ghi âm trục trặc, băng bị đứt…thế là công toi, lại phải đi chuyến khác” – nhạc sỹ già cười hiền từ.

Đi tìm “Hoa tiêng tiếng”

“Ta sinh ra từ trứng/ Có cây hoa tiêng tiếng”. Câu hát ấy, ông được nghe từ những năm còn đóng quân ở huyện Quế Phong. Một đồng đội nói với ông, đó là trường ca của người Thổ. Hơn 50 năm, hình ảnh cây hoa tiêng tiếng mà bạn hát năm nào vẫn cứ vương vấn trong ông.

Người nhạc sỹ ấy lại xách con Drem còm cõi lên đường. Ở đâu có người Thổ sinh sống là ông tìm đến. Hết Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tương Dương đến Tân Kỳ… bước chân già nua ấy lại in dấu khắp nơi. Ông cười: “Tôi như cậu bé đi tìm lá diêu bông vậy”. Nhưng nào có ai còn biết trường ca Hoa tiêng tiếng, ngoài một manh mối rất mơ hồ: “Lâu rồi không nghe nữa”. Lâu rồi không nghe nữa, có nghĩa là có người đã từng nghe. Tin thế nên ông lại tiếp tục lặn lội. Trời đã không phụ công ông, một thầy giáo dạy văn cấp 3 ở huyện Tân Kỳ còn nhớ lõm bõm. Những tháng ngày ăn dầm nằm dề ở huyện Tân Kỳ của ông bắt đầu. 

Ông nói: Người ta nhớ lõm bõm vì lâu rồi họ không đọc, mình phải kiên trì khơi gợi, phải tạo cảm hứng để họ nhớ lại. Phải mất hàng tháng trời, trường ca “Hoa tiêng tiếng” của đồng bào Thổ mới được “hồi sinh”. “Hoa tiêng tiếng” có thể coi là dị bản của “Đẻ đất đẻ nước”, nhưng nó đã được “Thổ hoá”, giá trị giáo dục rất cao.

Một số cuốn sách về văn hoá một số dân tộc thiểu số của nhạc sỹ Dương Hồng Từ
Một số cuốn sách về văn hoá một số dân tộc thiểu số của nhạc sỹ Dương Hồng Từ

Tìm được “Hoa tiêng tiếng”, càng đọc ông càng đắm say văn hoá dân tộc Thổ. Và càng nóng ruột vì những phong tục, tập quán, âm nhạc, thơ ca… hay như thế, đang có nguy cơ thất truyền. 

“Phải giữ nó lại, phải trao truyền cho thế hệ mai sau, kẻo có lỗi với tiền nhân”, nét mặt nhạc sỹ Từ trở nên nghiêm nghị. 

Ông nói, người Thổ rất coi trọng tình nghĩa. Hiện vẫn có nhiều gia đình kết bạn với nhau, thề với nhau keo sơn, gắn bó. Ví như lễ cắt tóc rất đỗi thiêng liêng, cần phải được gìn giữ: Anh em trong đại gia đình phải trải qua lễ cắt tóc. Lễ cắt tóc được tổ chức trang trọng, thầy mo cầm dao lù-là kiếm của trời, cắt mỗi người một mọn tóc; nam cắt trên chỏm đầu, nữ cắt phần đuôi tóc, sau đó được gói bằng lá chuối, đem chôn chung. Đã là anh em, đã cắt tóc thì phải luôn thương yêu nhau, chín bỏ làm mười, không được chia rẽ, mất đoàn kết…

Hay, khi có người qua đời, người ta rước linh hồn người chết đi thăm lại những nơi mà lúc sống, người quá cố thường hay lui tới như bến nước, ruộng đồng…và thăm lại bà con lối xóm trước lúc về trời. Mục đích của việc này, là để giáo dục con cháu yêu quý quê hương, xứ sở, biết ơn tiền nhân…

Chia tay “Người nhà làng”- nhạc sỹ Dương Hồng Từ, lòng tôi ấm lạ. Và càng vui hơn khi người nhạc sỹ già cho biết kế hoạch sắp tới của ông là xuất bản trường ca “Hoa tiêng tiếng”, để người đời sau không phải nhọc công đi tìm nữa.

Phạm Việt Thắng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện