Chiều 14/8, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND Phú Yên quyết định, TP Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa, huyện Phú Hòa, huyện Tây Hòa và huyện Tuy An giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 10 ngày. Các địa phương còn lại là huyện Sơn Hòa, huyện Sông Hinh, huyện Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu áp dụng Chỉ thị 15.
Phú Yên phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 24/6 tại TP Tuy Hòa. Dịch sau đó lan rộng ra 9 huyện, thị xã và thành phố, đến nay đã ghi nhận 2.153 ca. Trong số này, 22 người tử vong, 1.268 người đã được điều trị khỏi Covid-19. Từ ngày 23/7, tỉnh này giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP Tuy Hòa, hồi tháng 7. |
Chủ tịch tỉnh Phú Yên đánh giá dịch bệnh trên địa bàn tỉnh còn phức tạp khi nhiều ca dương tính được phát hiện qua sàng lọc, và một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây. "Thời gian tới, một số địa phương có khả năng gia tăng số ca nhiễm, do vậy tỉnh phải tiếp tục áp dụng biện pháp chống dịch quyết liệt", ông Thế nói.
Tỉnh yêu cầu các địa phương tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để sàng lọc, tách F0 ra khỏi cộng đồng; mở rộng "vùng xanh", thu hẹp "vùng đỏ"; quản lý chặt đối với người trở về từ TP HCM và các tỉnh phía Nam để ngăn chặn Covid-19.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh đều giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm từ 10 đến 15 ngày hoặc đến khi có thông báo mới, từ ngày 15/8. Chính quyền các tỉnh yêu cầu "ai ở đâu thì ở đó".
Riêng Bến Tre, trừ hai huyện Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú đề xuất áp dụng Chỉ thị 15 đối với các "vùng xanh" và "vùng vàng", hầu hết huyện, thành phố đều kiến nghị tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm một tuần.
Lãnh đạo một số tỉnh đánh giá, thời gian qua vài địa phương, cơ sở chưa thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, còn chủ quan, mất cảnh giác, dẫn đến hiệu quả phòng, chống dịch chưa cao.
Cầu Tân An 1 và 2 trên quốc lộ 1, bắc qua sông Vàm Cỏ Tây dẫn vào trung tâm TP Tân An (Long An) vắng xe sau khi tỉnh yêu cầu người dân không ra đường, hôm 28/7. |
Ngoài quyết liệt chống dịch, các tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương kịp thời hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, duy trì các phiên chợ không đồng, hỗ trợ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm người dân không bị thiếu đói khi giãn cách xã hội.
Tính từ ngày 27/4, 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã ghi nhận 30.943 ca, chiếm 11,8% ca nhiễm cả nước (261.412). Trong đó, Long An cao nhất vùng với 13.885 ca, tiếp theo lần lượt là Đồng Tháp 4.739 ca, Tiền Giang 4.087 ca, Cần Thơ 2.493 ca, Vĩnh Long 1.574, Bến Tre 1.274, Trà Vinh 794...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin