Tuần tới (11-17/10), Biển Đông khả năng hứng chịu liên tiếp 2 cơn bão nối ngay sau bão số 7. Các chuyên gia khí tượng nhận định vùng ảnh hưởng trọng tâm của mưa bão những ngày tới là các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hai khu vực này mưa lớn kéo dài liên tục trong các ngày 10-12/10 và khả năng hứng thêm đợt mưa mới vào ngày 13-15/10.
Trong khi đó, nhiều người dân tiếp tục di chuyển từ các tỉnh, thành phố phía nam để hồi hương bằng phương tiện cá nhân trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Thời tiết rất bất thường
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp ứng phó với bão số 7, Phó ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ khả năng đối mặt với tổ hợp thiên tai trong 10 ngày tới do ảnh hưởng liên tiếp của 3 cơn bão và không khí lạnh.
Những ngày tới, thời tiết rất bất thường, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ.
“Chúng ta cần có kịch bản dài hơi hơn cả về sản xuất, đời sống người dân và phòng chống các hình thái thiên tai khác nhau. Chúng tôi cũng sẽ có một kịch bản để chỉ đạo các địa phương ở vùng ảnh hưởng trong suốt 10 ngày tới”, ông Hiệp nói.
Về việc nhiều người dân di chuyển từ phía nam ra các tỉnh Tây Nguyên, Trung Bộ và Bắc Bộ trong thời tiết bất lợi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ có văn bản gửi địa phương các tỉnh, thành phía nam, yêu cầu địa phương thông báo cho người dân biết tình hình thời tiết 10 ngày tới.
Theo đó, tổ hợp hình thái thiên tai sắp tới có thể gây mưa lớn, ngập lụt, đặc biệt quốc lộ 1 khả năng ngập sâu. Do đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh dọc quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh trở ra có các giải pháp hỗ trợ người dân hồi hương.
Nhà chức trách lo ngại việc người dân hồi hương bằng xe cá nhân trong điều kiện thời tiết mưa bão kéo dài. |
Theo ông Hiệp, trước mắt, địa phương cần thiết lập các điểm tránh trú cố định cho người dân. Nếu không thực hiện được việc này, ngành chức năng cần có phương án chuẩn bị lều bạt để dựng điểm tránh trú di động, phục vụ, hỗ trợ người dân từ các tỉnh phía nam ra.
Đồng thời, người dân cũng cần được hỗ trợ về thức ăn, nước uống và các vật dụng thiết yếu để di chuyển an toàn những ngày tới.
“Chúng ta trước đó lên kế hoạch để ứng phó thiên tai trong điều kiện dịch bệnh, nhưng hiện có thêm vấn đề lớn là việc người dân di chuyển từ phía nam ra phía bắc. Do đó, bộ, ngành, địa phương phải có kịch bản ứng phó rất kỹ cho trường hợp này”, ông Hiệp cho biết.
Phó ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương thiết lập điểm cách ly người dân trở về phải cách xa khu cách ly F0, F1 đã có. Trong tình hình mưa bão những ngày tới, các tỉnh, thành phố chỉ tiến hành sơ tán, di dân khi có lệnh từ Trung ương.
Trường hợp buộc phải sơ tán, các địa phương ưu tiên phương án di dân tại chỗ, làng ở làng, xã ở xã, tránh trường hợp tập trung quá đông người vào một chỗ.
3 cơn bão nối nhau vào Biển Đông
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nối ngay sau cơn bão số 7 chuẩn bị đổ bộ đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ, Biển Đông khả năng hứng thêm 2 cơn bão mới vào tuần tới. Trước mắt, cơn bão Kompasu đang hoạt động ở ngoài khơi Philippines có thể tiến vào Biển Đông trong đêm 11, rạng sáng 12/10.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, cho biết đặc điểm của cơn bão này là di chuyển nhanh, cường độ mạnh. Thời điểm di chuyển trên biển, bão có thể đạt sức gió mạnh nhất cấp 10-11 và sớm ảnh hưởng đến thời tiết đất liền nước ta.
Theo dự báo ban đầu, vùng ảnh hưởng của cơn bão này tiếp tục tập trung vào khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh phía bắc miền Trung. Khu vực này khả năng tiếp diễn đợt mưa mới trong ngày 13-15/10, ngay sau đợt mưa lớn do bão số 7 gây ra.
Hình ảnh vệ tinh của bão Kompasu khả năng tiến vào Biển Đông trong 2 ngày tới. Ảnh: NICT. |
Theo cơ quan dự báo Hong Kong, thời điểm bão tiến vào vịnh Bắc Bộ ngày 14/10, cường độ mạnh nhất vẫn đạt đến 95 km/h, tương đương cấp 10, giật cấp 12. Vùng ảnh hưởng của bão được nhận định là bao trùm khắp các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, trọng tâm là khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh.
Trong khi đó, cơ quan khí tượng Nhật Bản cho rằng mô hình dự báo cho thấy bão có thể duy trì cường độ mạnh nhất cấp 10 liên tục trong hai ngày 12-13/10. Thời điểm áp sát đất liền nước ta, vùng gần tâm bão Kompasu có thể mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Đáng lưu ý, ngày 16-17/10, Biển Đông khả năng hứng thêm cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới mới. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày (7-17/10), khu vực có thể hứng chịu ảnh hưởng của 3 xoáy thuận nhiệt đới nối nhau.
Theo bản đồ tích lũy lượng mưa của Windy, trọng tâm mưa ban đầu dồn về phía các tỉnh, thành ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó tiếp tục mở rộng ra các nơi khác ở miền Trung. 10 ngày tới, khu vực có mưa nhiều nhất là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế và Kon Tum.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin