Đời sống - Xã hội

2.532 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi do đại dịch COVID-19

07:26, 06/12/2021
81 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. 21,2 triệu trẻ em không được đến trường; khoảng 4,4 triệu trẻ mầm non và hàng nghìn trẻ em phải cách ly tập trung, bị gián đoạn giáo dục.

Thông tin do Viện Khoa học Lao động và Xã hội cung cấp tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra ngày 5/12 cho thấy, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em. Tính đến ngày 15/9/2021, có 17.937 F0 là trẻ em, 40.847 F1 là trẻ em và 626 phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19. Đến nay, đại dịch đã làm 2.532 trẻ em rơi vào cảnh mồ côi (81 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ).

Hàng nghìn trẻ em phải đi cách ly tập trung theo quy định không có cha mẹ, người thân đi cùng hoặc phải ở một mình do có cha mẹ nhiễm COVID-19 phải điều trị hoặc phải cách ly y tế tập trung, dẫn đến thay đổi về môi trường sống, thiếu sự chăm sóc thường xuyên của cha mẹ.

Trẻ em sống trong các cơ sở chăm sóc tập trung hoặc trung tâm bảo trợ xã hội cũng gặp rủi ro lây nhiễm nhóm, nhất là với trẻ khuyết tật hoặc đã có bệnh lý nền.

Trẻ em mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 - cơ sở 2, ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Trẻ em mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 - cơ sở 2, ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Đại dịch khiến 21,2 triệu trẻ em không được đến trường; khoảng 4,4 triệu trẻ mầm non và hàng nghìn trẻ em phải cách ly tập trung, bị gián đoạn giáo dục.

Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, đến ngày 19/9/2021, số học sinh học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu em, trong đó có khoảng 1,5 triệu em chưa có máy tính, cần hỗ trợ, chủ yếu là nhóm trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, trẻ em tại một số cơ sở nuôi dưỡng và trẻ em khuyết tật.

Bên cạnh đó, các biện pháp cách ly tại nhà và giãn cách xã hội gây ra những căng thẳng tâm lý và sinh hoạt hàng ngày của trẻ em. Giãn cách xã hội dài ngày dẫn đến trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, hạn chế tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè. Ngoài ra, các biện pháp phong tỏa và cách ly tại nhà có thể gây gia tăng nguy cơ trẻ phải chứng kiến hoặc chịu đựng các hình thức bạo lực, bóc lột và xâm hại.

Theo báo cáo của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2021, toàn quốc phát hiện 1.233 vụ xâm hại (tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó xâm hại tình dục 1.030 trẻ em (tăng 1,5%). Phân tích số liệu từ Tổng đài 111, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng từ 67,58% (năm 2020) lên 78,7% (6 tháng đầu năm 2021). Do thiếu sự trông giữ giám sát của cha, mẹ dẫn đến nguy cơ trẻ em bị tai nạn thương tích gia tăng. Số trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích trong 6 tháng đầu năm 2021 là 692 em, tăng so với năm 2020 (613 em), đặc biệt là tử vong do đuối nước tăng cao (năm 2020 có 456 em; năm 2021 có 554 em).

Việc làm và thu nhập bị giảm, đặc biệt là nhóm người có thu nhập trung bình và thấp làm tăng nguy cơ phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, mua bán và đưa trái phép ra nước ngoài. Áp lực tìm kiếm việc làm để hỗ trợ gia đình do kinh tế khó khăn vì COVID-19 gây ra nguy cơ bị mua bán, bị cưỡng ép lao động và bóc lột tình dục dưới nhiều hình thức (gồm cả chào gọi, môi giới mại dâm qua mạng xã hội).

Đại dịch COVID-19 cũng làm gia tăng tính dễ bị tổn thương đối với một số nhóm xã hội đặc thù. Đơn cử như người cao tuổi, số liệu báo cáo cho thấy người cao tuổi là nhóm dân số dễ bị nhiễm và tử vong vì COVID-19. Mặt khác, an sinh xã hội của người cao tuổi cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi COVID-19.

Ở nước ta, khoảng 32% người cao tuổi sống phụ thuộc vào các thành viên trong gia đình. Lao động trụ cột của gia đình bị giảm/mất thu nhập thì người cao tuổi bị ảnh hưởng theo.

Với người cao tuổi còn làm việc, họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì 81,4% người cao tuổi làm việc trong khu vực phi chính thức, nơi bị tổn thương hơn trong thời gian phong tỏa.

Người cao tuổi thường ốm đau, bệnh tật nhiều hơn, họ gặp khó khăn nhiều hơn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong đại dịch./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện