Người lao động được làm thêm kịch trần 40 giờ/tháng
Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH Quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Thông tư áp dụng đối với 2 đối tượng, thứ nhất là NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn làm việc từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn, làm các công việc: Sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông – lâm – ngư – diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được; gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu. Đối tượng thứ hai là người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động (DN, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng NLĐ làm việc cho mình theo thỏa thuận).
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ. |
Hằng năm, căn cứ vào quỹ thời gian làm việc tiêu chuẩn trong năm, người sử dụng lao động lập kế hoạch xác định số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày của NLĐ theo các trường hợp: Ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn là 8 giờ; ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn nhiều hơn 8 giờ nhưng không quá 12 giờ; ngày làm việc có số giờ làm việc tiêu chuẩn từ 4 giờ đến dưới 8 giờ.
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH cũng nêu rõ: Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ. Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi lao động không quá 300 giờ.
Người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng được tăng giờ làm thêm theo tuần, tháng. |
Hằng tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần thì phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho NLĐ. Người sử dụng lao động phải bố trí để NLĐ được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác. Đồng thời, việc rút ngắn giờ làm việc và đảm bảo thời giờ nghỉ ngơi của lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi; quyết định nghỉ việc không hưởng lương đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.
Cần có tiêu chuẩn định mức và tiền lương làm thêm giờ
Kể từ ngày 1/2/2022, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn áp dụng quy định số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ; hoặc tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ, ghi vào kế hoạch thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong năm.
Trường hợp, số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày ít hơn 8 giờ, nếu đã được lập kế hoạch xác định, người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc cho NLĐ. Khi số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày đã được lập kế hoạch mà thực tế không bố trí cho lao động làm việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc cho NLĐ.
Người lao động sản xuất hàng dệt may rất cần tăng giờ làm thêm để có thêm thu nhập. |
Khi số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày nhiều hơn 8 giờ đã được xác định trong kế hoạch thì số giờ chênh lệch đó không được tính là thời giờ làm thêm. Khi số giờ làm việc thực tế hằng ngày vượt quá số giờ làm việc tiêu chuẩn thì số giờ đó được tính là giờ làm thêm; đồng thời người sử dụng lao động phải trả tiền lương làm thêm giờ và thực hiện các chế độ liên quan cho NLĐ theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.
Theo thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH, tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi lao động vẫn là 300 giờ, như quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH. Tuy nhiên, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần đã tăng 8 giờ; và tổng số giờ làm thêm trong một tháng cũng tăng 8 giờ sẽ gỡ vướng cho nhiều DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã... đảm bảo gia công hàng theo đơn đặt hàng. Về phía NLĐ, khi số giờ làm thêm trong tuần và tháng tăng lên, đồng nghĩa với tăng thu nhập để đảm bảo cuộc sống, khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp.
Bàn luận về số giờ làm việc tiêu chuẩn và tăng thời gian làm thêm giờ đối với lao động thời vụ, các chuyên gia lao động cho rằng: Nhu cầu làm thêm giờ của người sử dụng lao động trong hai trường hợp quy định tại Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH là rất lớn. Việc quy định số giờ làm thêm, ngày nghỉ là cần thiết và phù hợp với Bộ luật Lao động; để người sử dụng lao động không vị phạm và ngăn ngừa hiện tượng lạm dụng sức lao động quá mức.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho rằng: Để chặt chẽ, Bộ LĐTB&XH cần quy định rõ về vấn đề tiền lương làm thêm giờ và tiêu chuẩn định mức lao động. Qua đó, để người sử dụng lao động không lợi dụng quy định để ra định mức lao động rất cao buộc NLĐ phải kéo dài thời gian làm việc trong ngày mới hoàn thành công việc mà không được hưởng lương làm thêm giờ. Hơn nữa, Bộ LĐTB&XH cũng cần quy định rõ: Người sử dụng lao động có sự thoả thuận với NLĐ và chế độ ăn bồi dưỡng khi làm thêm giờ để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin