Ăn gì để lấy may đầu năm? Các quốc gia đón Tết Nguyên đán thiếu gì chứ không thể không có những món ăn này vào dịp năm mới!

21:59, 31/01/2022
Bên cạnh Việt Nam thì Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc cũng là các quốc gia đón Tết theo Âm lịch.

Bánh chưng Việt Nam
Tết Nguyên đán đang đến rất gần với người dân Việt Nam và một số nước cũng đón Tết âm lịch cổ truyền. Nhắc đến Tết là người dân Việt Nam dù ở bất kỳ đâu trên dải đất hình chữ S cũng có thể bật ra ngay lập tức câu thơ vui mà gói trọn cả những nét đẹp truyền thống từ ngàn đời xưa: 

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".

 

2 câu thơ ngắn gọn kể tên đầy đủ những thứ nhất thiết phải có trong ngày Tết của người Việt. Trong đó có chiếc bánh chưng mang hình dáng vuông vắn, tươi xanh gắn với sự tích Lang Liêu. Đó là sự hội tụ tinh hoa của đất trời và mong muốn một năm đầy may mắn, là sự thể hiện lòng biết ơn với ông bà tổ tiên. Từ những nguyên liệu gần gũi với người nông dân như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong tạo nên chiếc bánh chưng đậm đà.

Ở Việt Nam thì có bánh chưng xanh, vậy ở các quốc gia châu Á cùng đón Tết Nguyên đán như Việt Nam, món ăn nào là không thể thiếu để lấy may đầu năm?

Sủi cảo Trung Quốc
Trong bữa cơm Tết của người Trung Quốc không thể thiếu cá nguyên con, mì trường thọ, sủi cảo, chả nem, bánh gạo nếp với mong muốn cầu may đầu năm. Và trong đó có món sủi cảo, luôn là món ăn quan trọng, cần có trong mâm cơm đầu năm của người Trung Quốc. 

 

Sủi cảo bắt nguồn từ tiếng Quảng Đông, "sủi cảo" có âm đọc là “thủy giáo”, là một trong các loại bánh dạng hấp khá quen thuộc ở Đông Nam Á. Món ăn tượng trưng cho sự đoàn tụ, đem đến may mắn, tài lộc, bình an cho gia đình.

 

 
 

Tteokguk Hàn quốc

Tteokguk còn được gọi là canh bánh gạo, món ăn truyền thống của người Hàn. Trong những ngày Tết, gia đình người Hàn quốc nào cũng ăn món bánh tteokguk. Canh được làm bằng cách nấu nhiều lát bánh gạo với niềm tin sẽ đem lại nhiều may mắn trong tương lai.

Vào buổi sáng mồng 1, người ta dùng món này với ý nghĩa đánh dấu thêm tuổi mới, mong ước trường thọ và tài sản cũng dồi dào như thanh bánh gạo. Bên cạnh đó, canh Tteokguk còn tượng trưng cho sự thanh khiết, trọn vẹn của vạn vật trên thế gian theo quan niệm của “xứ sở kim chi”.

Ngoài ra các món như galbijjim (sườn om), japchae (miến trộn), bánh xèo, hangwa (bánh mứt kẹo truyền thống) và các loại bánh gạo cũng rất được người dân xứ kim chi ưa thích. Người Hàn Quốc cũng thường uống trà vào dịp Tết như trà thơm camip ướp lá cây hồng, trà saenggang ướp gừng, đặc biệt nhất là trà omija chỉ có ở Hàn Quốc, có đủ cả năm vị ngọt, chua, mặn, cay và đắng. 

 
 

Yu Sheng Singapore

Món gỏi cá Yu Sheng còn được gọi là gỏi thịnh vượng. Món ăn được làm từ cá hồi sống được thái lát mỏng, các loại rau củ quả thái sợi như bưởi, khoai môn, đu đủ, gia vị gừng, vừng, lạc rang cùng với bột chiên nước sốt từ mận.

 

 
 
 

Gỏi cá Yusheng được trang trí đẹp trong một bát to hoặc đĩa đến khi ăn mới được trộn đều. Khi trộn gỏi cá cần trộn các nguyên liệu lên càng cao càng tốt mang ý nghĩa về sự trọn vẹn, đầy đủ và thịnh vượng. Ngoài ra, người Singapore cũng cho thêm cà rốt và dưa leo với mong muốn trẻ mãi không già và may mắn phát tài.

Bánh bao Mông Cổ

Người Mông Cổ đón Tết Âm lịch bằng lễ Tsagaan Sar, đúng ngày đầu năm mới giống người Việt đón Tết Nguyên đán. Trong Tssagaan Sar, người Mông Cổ thường đến thăm gia đình, họ hàng và bạn bè, cùng nhau ôn chuyện năm cũ và chúc những điều tốt lành. Lễ hội chính thức diễn ra trong 3 ngày, nhưng thường được kéo dài thêm nhiều ngày. 

 
 
 

Mỗi vùng Mông Cổ lại có các món ăn khác nhau dành cho dịp lễ trọng đại này. Trong đó, các gia đình thường có một đĩa bánh quy lớn xếp hình kim tự tháp tượng trưng cho núi Sumeru, thịt ngựa và bánh nhân thịt cừu, thịt bò...

Trên bàn ăn ngày đầu năm của người Mông cổ bao giờ cũng có mì vằn thắn và sủi cảo, du nhập từ phong tục ăn uống từ người Hán.

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện