Trong mùa cao điểm nắng nóng, hóa đơn tiền điện là nỗi lo của nhiều gia đình bởi có thể chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập. Để sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong mùa hè, hãy lưu ý một số mẹo tiết kiệm điện đơn giản mà hiệu quả sau đây.
Thay đổi thói quen sử dụng thiết bị điện
Bên cạnh việc áp dụng các nguyên tắc tiết kiệm điện mùa nắng nóng nói chung, bạn cũng nên thay đổi cách sử dụng một số thiết bị.
Tủ lạnh
Hạn chế tối đa việc mở/đóng tủ lạnh khi không cần thiết. Khi đóng mở tủ lạnh liên tục, độ mát trong tủ giảm, máy lạnh phải hoạt động nhiều hơn để bù đắp, gây tốn năng lượng hơn. Cần đặt tủ cách tường ít nhất 10 cm, đảm bảo nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3-6 độ C với ngăn mát và âm 15 đến âm 18 độ C với chế độ đông lạnh.
Chọn đúng loại tủ lạnh có dung tích phù hợp với quy mô thành viên trong gia đình. Ví dụ, gia đình 4 người nên chọn loại tủ 100 – 180 lít.
Thường xuyên kiểm tra gioăng cao su phía sau cánh cửa tủ để tránh thoát nhiệt gây tốn điện năng. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên, làm sạch bụi bẩn bám trên dàn nóng hoặc mặt ngoài tủ lạnh. Không để lớp tuyết bám vào dàn lạnh ở ngăn đông dày quá 5 mm.
Nên duy trì nhiệt độ điều hòa khoảng 25 độ C để tiết kiệm điện. |
Điều hòa
Chọn mua điều hòa có sử dụng công nghệ tiết kiệm điện Inverter.
Chọn đúng máy lạnh công suất phù hợp với diện tích phòng để tránh lãng phí điện năng. Đóng kín cửa phòng khi sử dụng điều hòa tránh làm thất thoát nhiệt.
Cứ 10 độ C, bạn có thể tiết kiệm được 25% điện năng, vì vậy nên để điều hòa ở mức nhiệt trên 25 độ C đối với ban ngày, tắt điều hòa vào ban đêm và mở cửa đón khí trời. Đây là một trong những cách tiết kiệm điện cho máy lạnh.
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh điều hòa tránh bụi bẩn khiến điều hòa phải hoạt động nhiều hơn.
Quạt
Nên bật quạt ở chế độ vừa phải do càng để quạt ở tốc độ cao sẽ càng tốn điện. Khi không sử dụng, thay vì chỉ tắt công tắc quạt, bạn nên rút hẳn phích cắm quạt ra khỏi ổ điện.
Nên lắp đặt quạt trần vì quạt trần hoạt động sẽ phả gió xuống sàn, gió từ dưới sàn sẽ lan tỏa ra xung quanh, đập vào tường và tỏa ra khắp phòng, mát và tiết kiệm hơn so với quạt cây.
Thiết bị điện tử khác
Với bàn là, ủi: Không là quần áo khi còn ướt và dùng trong phòng bật máy điều hòa. Nên lau bề mặt bàn là trước khi sử dụng để máy hoạt động tốt hơn, hạn chế tối đa việc tiêu tốn điện năng.
Vớ bếp điện, lò vi sóng, bếp từ: Tránh đặt bếp điện ở gần các thiết bị điện tử khác để đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng tới hoạt động hay tiêu tốn điện năng.
Với máy tính, laptop: Giảm độ sáng màn hình ở mức độ vừa nhìn, không để ánh sáng quá cao. Tắt máy tính khi không sử dụng trên 20 phút. Nên chọn chế độ tiết kiệm điện trong máy tính để đảm bảo tuổi thọ của máy và giảm tổn hao năng lượng.
Thiết bị chiếu sáng
Nên thay thế các loại bóng đèn trong nhà bằng bóng đèn sợi đốt huỳnh quang giúp tiêu thụ ít điện năng trong ngày và đảm bảo tuổi thọ cao gấp 15 lần.
Tắt các thiết bị chiếu sáng khi không sử dụng, trước khi ra ngoài. Việc này vừa giảm bớt lượng điện tiêu thụ không cần thiết vừa đảm bảo an toàn cho gia đình.
Rút nguồn điện khi không sử dụng.
Rút các thiết bị điện tử khi không sử dụng là một trong những mẹo tiết kiệm điện hữu ích. |
Có một sự thật là các thiết bị điện tử như máy tính, tivi, loa đài… ngay cả khi đã tắt cũng tiêu tốn điện năng. Tuy điện năng tiêu thụ tại thời điểm đó không cao nhưng xét về lâu về dài, số tiền bạn phải bỏ ra cũng đáng kể. Vì vậy, nên lưu ý rút nguồn các thiết bị khi không sử dụng.
Hẹn giờ để bật/tắt thiết bị điện
Sẽ rất lãng phí điện nếu bạn quên tắt các thiết bị trong gia đình (quạt điện, máy nước nóng, máy bơm, hệ thống tưới cây…) sau khi sử dụng xong. Để giải quyết triệt để vấn đề đó, bạn có thể dùng các thiết bị hẹn giờ, như công tắc điện hẹn giờ, ổ cắm điện hẹn giờ…
Mức tiêu thụ điện năng của các thiết bị điện có nhãn tiết kiệm điện là rất thấp, việc áp dụng giải pháp này sẽ giúp gia đình bạn tiết kiệm được rất nhiều lượng điện năng tiêu thụ hàng tháng.
Dùng ít thiết bị lúc cao điểm
Trong khoảng thời gian cao điểm từ 9h30 - 11h30 và 17h-20h, các hộ gia đình chỉ nên sử dụng những thiết bị cần thiết và những thiết bị tiết kiệm điện đã được chứng nhận, hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị.
Vệ sinh định kỳ thiết bị điện
Nếu vệ sinh và bảo dưỡng các thiết bị điện thường xuyên, bạn có thể tiết kiệm 5 - 15% điện năng tiêu thụ.
Quạt: Lau sạch cánh, lồng bảo vệ để tăng lưu lượng gió. Dòng điện giảm, máy chạy nhẹ, ít tiêu tốn điện năng.
Bóng đèn: Việc lau bóng đèn sạch sẽ giúp đèn tỏa sáng hơn, vì thế bạn có thể nhận được nhiều ánh sáng hơn và tiết kiệm điện hơn.
Máy điều hòa: Làm sạch hoặc thay bộ lọc điều hòa thường xuyên sẽ giúp tiết kiệm điện, vì bộ lọc bẩn sẽ khiến khả năng làm mát của điều hòa kém, gây lãng phí điện.
Tủ lạnh: Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh, dọn sạch những mảng tuyết đóng dày trong khoang làm đông sẽ giúp tiết kiệm điện năng.
Trồng nhiều cây xanh
Việc trồng và trưng bày cây xanh trong và xung quanh nhà giúp tiết kiệm điện rất nhiều vì cây xanh sẽ giảm hấp thụ không khí nóng từ ánh nắng mặt trời. Theo một nghiên cứu, chỉ cần trồng 3 cây xanh đúng khoảng cách quanh nhà, bạn có thể tiết kiệm đến 25% năng lượng cho việc làm mát. Cây xanh không những giúp chúng ta cải thiện, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan mà còn giúp tiết kiệm năng lượng do có vai trò như máy điều hòa nhiệt độ tự nhiên.
Sử dụng rèm cửa
Rèm cửa có tác dụng ngăn nhiệt và chống nắng, giúp giảm nhiệt và cản tia hồng ngoại. Khi thời tiết quá nóng, việc kéo rèm vào sẽ giúp không khí trong nhà mát hơn. Thay cho các loại rèm mỏng khiến ánh sáng vẫn rọi được vào nhà, bạn nên cân nhắc chọn mua loại rèm có màu sắc trung tính với chất liệu màu trắng bên trong vải tráng nhựa. Loại rèm xếp li này có thể giảm khí nóng lên đến 33%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin