Khoảng cuối tháng 11 đến nửa đầu tháng 12, miền Trung đề phòng bão và mưa lớn. Từ tháng 12-2022 đến tháng 2-2023, miền Bắc phổ biến ít mưa và thiếu hụt dòng chảy về các hồ thủy điện...
Mực nước sông Đà xuống thấp khiến nhiều trạm bơm trên địa bàn huyện Ba Vì không thể vận hành. |
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 2-2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong đó, khoảng cuối tháng 11 đến nửa đầu tháng 12 tới đây, các tỉnh, thành phố miền Trung đề phòng xảy ra bão và mưa lớn. Trên các sông miền Trung và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ với đỉnh lũ ở mức báo động cấp II-III, có sông trên báo động cấp III. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Ngược lại, các tỉnh, thành phố miền Bắc, từ tháng 12-2022 đến tháng 2-2023 phổ biến ít mưa; tổng lượng mưa thấp hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm khoảng 5-15mm. Mực nước trên các sông suối ở miền Bắc xuống dần. Dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, trên lưu vực sông Đà, dòng chảy đến các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình thiếu hụt 15-35%. Trên sông Gâm, dòng chảy đến các hồ Tuyên Quang, Thác Bà thiếu hụt 25-35%. Trên sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt 20-40%.
Từ tháng 3 đến tháng 5-2023, lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 20-30%, các hồ chứa trên sông Gâm và sông Chảy cao hơn 30-50%. Trên các lưu vực sông ở miền Bắc phổ biến thiếu hụt 10-30% so với trung bình nhiều năm... Các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc có nguy cơ thiếu nước cục bộ trong mùa khô năm 2023.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin