Đời sống - Xã hội

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7-2023

07:29, 27/06/2023
Chính thức tăng lương cơ sở; bắt đầu thí điểm đấu giá biển số ô tô… là những chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 7-2023.

Từ tháng 7-2023, một số chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức; BHYT sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng

Theo Nghị định 24/2023 của Chính phủ, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2023.

Mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

Từ ngày 1-7 tới, lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức
Từ ngày 1-7 tới, lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. 

 Có thể nói lần tăng lương cơ sở này rất được mong đợi, bởi lần tăng gần đây nhất từ ngày 1-7-2019, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chị Tôn Thị Huyền Trang (nhân viên văn phòng tại TP.HCM) cho biết dù làm việc ngoài khu vực nhà nước nhưng chị cũng rất vui vì một số khoản trợ cấp BHXH cũng sẽ được tăng theo. Cụ thể như tiền trợ cấp một lần khi sinh con (bằng hai lần mức lương cơ sở - PV) và mức trần đóng BHXH cũng tăng lên giúp cho một số người lao động đang có mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao trong công ty sau này sẽ được hưởng các chế độ tốt hơn khi về hưu. Ngoài ra, việc tăng lương cơ sở sẽ cải thiện thu nhập của một bộ phận người dân, sẽ kích thích người dân chi tiêu nhiều hơn. Điều này sẽ là cơ sở để tăng trưởng GDP có thể đạt theo kế hoạch Quốc hội đề ra.

Trong khi đó, chị Nguyễn Phương Thảo (viên chức giáo dục tại quận 10, TP.HCM) bày tỏ chị rất mừng khi sau một khoảng thời gian dài thì lương cũng đã tăng, chị có thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt hằng ngày cho con cái, gia đình. Đó cũng là động lực để chị tiếp tục gắn bó với nghề hơn.

“Mong Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với viên chức, đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, y tế…, tiếp tục xây dựng hoặc thúc đẩy lộ trình nâng lương tiếp theo để viên chức ổn định cuộc sống” - chị Thảo nói.

Bắt đầu thí điểm đấu giá biển số ô tô

Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết 73/2022 về thí điểm đấu giá biển số ô tô. Theo đó, biển số ô tô được thí điểm đấu giá từ ngày 1-7 tới đây và được thực hiện trong vòng ba năm theo hình thức trực tuyến, theo phương thức trả giá lên.

Biển số ô tô đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen, trừ biển số cấp cho ô tô của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, ô tô của dự án… Giá khởi điểm của một biển số ô tô đưa ra đấu giá là 40 triệu đồng, mỗi bước giá là 5 triệu đồng.

Người trúng đấu giá biển số ô tô sẽ được đăng ký biển số ô tô trúng đấu giá gắn với ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan công an nơi quản lý biển số ô tô trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở.

Đặc biệt, người trúng đấu giá biển số được giữ lại biển số ô tô trúng đấu giá trong trường hợp ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm ô tô bị mất, hư hỏng không thể sử dụng được hoặc được chuyển giao quyền sở hữu.

Anh Trương Nguyễn Thạch (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cái lợi thấy được rõ nhất là việc thí điểm đấu giá biển số xe sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách. “Nhu cầu sở hữu biển số đẹp của người dân là có. Như đối với tôi, biển số đẹp đơn giản chỉ là kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng chứ không xa vời biển số tiến hay “lộc phát”...

Tuy nhiên, mua vài đời xe nhưng chưa bao giờ tôi may mắn bấm được biển số mình muốn. Vì vậy, việc đấu giá biển số xe sẽ đáp ứng được mong muốn của tôi và rất nhiều người khác” - anh Thạch bày tỏ và cho biết điều quan trọng nhất khi thí điểm là phải xây dựng được cơ chế, quản lý được cơ chế để tránh thất thoát như trước đây.

Mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2023.

Bổ sung đối tượng tinh giản biên chế

Ngày 3-6, Chính phủ ban hành Nghị định 29/2023 về tinh giản biên chế. Theo đó, các đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế sẽ gồm ba nhóm.

Nhóm 1 là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức thuộc một trong các trường hợp như dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền…

Nhóm 2 là người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị.

Nhóm 3 là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền. Đây cũng là một trong những đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế được bổ sung so với quy định hiện hành.

Cũng tại Nghị định 29, Chính phủ đã bổ sung chính sách nghỉ hưu trước tuổi với nữ cán bộ, công chức cấp xã…

Nghị định 29/2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20-7 tới đây.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện