Quốc thiều là phần nhạc của bài quốc ca, nói cách khác quốc thiều là bài quốc ca không lời. Quốc thiều thường được sử dụng để mở đầu các buổi nghi lễ của các cơ quan nhà nước: Lễ kéo cờ ở công sở, trường học, lễ đón nguyên thủ quốc gia nước khác đến thăm chính thức nước sở tại.
Quốc ca là bài hát khơi gợi và ngợi ca lịch sử, truyền thống và đấu tranh của quốc gia. Mỗi khi chào cờ, quốc ca được cất lên, mỗi người dân dâng trào cảm xúc thiêng liêng, tự hào, một thứ tình cảm thân thương và rất đỗi gần gũi đối với mỗi người công dân của đất nước đó.
Quốc ca Việt Nam hùng tráng nhất thế giới. Ảnh: Tư liệu |
Ở Việt Nam, từ thời Gia Long đã có Quốc thiều là bài Đăng Đàn cung (không rõ tác giả). Đăng Đàn cung chỉ tấu dùng riêng cho Hoàng đế trong những dịp đặc biệt, nên chỉ xem là Quốc thiều không chính thức. Mãi đến năm 1932, phần lời dành cho quốc thiều được Hoàng thân Ưng Thiều soạn ra và Đăng Đàn cung được sử dụng như một quốc ca không chính thức.
Theo đánh giá của công luận thế giới ưu điểm nổi trội nhất của Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) là chất mạnh mẽ, oai hùng của nhạc. Tháng 4/2011, trang cracked.com, trang thông tin điện tử về kiến thức có uy tín của Hoa Kỳ, thu hút hàng trăm triệu người xem trên toàn cầu, đã thực hiện khảo sát qua bạn đọc đã thống nhất bình chọn Quốc ca Việt Nam là bài Quốc ca hùng tráng nhất thế giới, xếp thứ nhất trong 6 quốc gia top đầu.
Sau này Chính phủ Trần Trọng Kim vẫn tiếp tục sử dụng Đăng Đàn cung làm Quốc thiều và có ý định soạn lời mới để thành Quốc ca chính thức, nhưng chưa kịp thì Chính phủ sụp đổ.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngay khi mới thành lập Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã chọn Quốc ca Việt Nam là bài “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao, được sáng tác cuối năm 1944, tại căn nhà số 171, phố Mongrand (nay là 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội).
Chuyện kể về hoàn cảnh ra đời của “Tiến quân ca” (Quốc ca): Đó là vào một ngày đông giá lạnh, đói rét, khổ cực năm 1944, khi cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đang sục sôi khí thế, Vũ Quý, một cán bộ Việt Minh, cũng là người thường xuyên theo dõi những hoạt động văn nghệ, đã đến gặp nhạc sĩ Văn Cao và đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng, đồng thời nói thêm rằng, ở chiến khu thiếu bài hát… Hơn nữa, khóa Quân chính kháng Nhật sắp mở, nên nhờ nhạc sỹ sáng tác một bài hát cho quân đội cách mạng hát.
Nhạc sĩ Văn Cao. |
Văn Cao nhận lời, nhưng cũng rất lo lắng, trăn trở. Vì chưa gặp các chiến sỹ quân đội cách mạng, cũng không biết họ hát như thế nào? Cuối cùng Văn Cao nghĩ cách viết một bài hát giản dị, để sao cho họ hát được dễ dàng…Ông đã tìm kiếm những âm thanh, hình ảnh trong những buổi chiều đi dọc các con phố Hà Nội. Và ông đã khởi viết được những nốt nhạc đầu tiên của bài “Tiến quân ca”. Tác giả đã chỉnh sửa, hoàn thiện bài hát trong nhiều ngày.
Văn Cao nhớ lại, khi bài hát viết xong, ông Vũ Quý rất hài lòng. Để viết bài hát này, Văn Cao lấy cảm hứng từ nỗi thống khổ của đồng bào chết đói mà ông đã nhìn thấy trên khắp các phố phường Hà Nội, ông hình dung ra những người lính cách mạng, tuy ông chưa từng gặp, nhưng những hành động dũng cảm của họ, ông đã biết qua những bài viết đăng trên các tờ báo bí mật.
“Tiến quân ca” ra đời là một bài ca cách mạng, với âm hưởng hào hùng, thôi thúc, cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân cùng nhau đấu tranh giành độc lập dân tộc.
“Tiến quân ca” trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Trong một bài báo, ông Trần Huy Liệu cho biết: Tháng 8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào (ở Tuyên Quang) nhóm họp bàn về kế hoạch Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc và chọn mẫu Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca khi Việt Nam độc lập. Nhạc sỹ, nhà văn Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến của các đại biểu để lựa chọn một số bài hát đặc sắc trình lên lãnh tụ Hồ Chí Minh và Quốc dân Đại hội, quyết định chọn làm Quốc ca. Ba bài hát được trình lên: Cùng nhau đi hùng binh của nhạc sỹ Đỗ Nhuận; Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi và Tiến quân ca của Văn Cao. Ngày 18/8/1945, ngày cuối cùng của Quốc dân Đại hội Tân Trào đã quyết định lấy bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Vì Tiến quân ca thể hiện được ý chí, khát vọng dân tộc, hợp cảnh, hợp thời, vừa ngắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập mà giai điệu rất hùng tráng.
Một số tư liệu còn ghi rằng: tại một cuộc mít tinh do Tổng hội công chức của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức trước Nhà hát Lớn Hà Nội chiều 17/8/1945, treo cờ triều đình nhà Nguyễn (cờ quẻ ly) và hát bài Đăng đàn cung, đã bị các hội viên Việt Minh chiếm diễn đàn, hạ cờ quẻ ly, đồng thời treo cờ đỏ sao vàng to lớn chiếm gần hết mặt tiền nhà Hát Lớn và bài Tiến quân ca cùng bài Diệt phát xít vang lên làm rung động hàng triệu triệu trái tim dân Việt.
Ngày 19/8/1945, một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn, do Việt Minh tổ chức, dàn đồng ca của Thiếu nhi Tiền phong Hà Nội đã hát bài Tiến quân ca, chào lá cờ đỏ sao vàng.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước VNDCCH, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, Tiến quân ca được dàn nhạc Giải phóng quân cử hành trọng thể, hàng triệu người hát vang lời ca theo tiếng nhạc hành khúc hùng tráng, sôi động.
Sau ngày nước VNDCCH được thành lập, ngày 8/11/1946 Quốc hội khóa I đã chính thức quyết định chọn Tiến quân ca làm Quốc ca của nước VNDCCH (nay CHXHCN Việt Nam). Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH năm 1946, tại Điều 3 ghi rõ: Quốc ca Việt Nam là bài Tiến quân ca.
Sinh thời Nhạc sỹ Văn Cao tâm sự rằng, ông được nghe một Việt kiều ở Pháp kể lại đầy tự hào, khi nghe ban nhạc quân đội Pháp chơi bản Tiến quân ca, lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh bước xuống sân bay quốc tế Paris, sang thăm nước Pháp, theo lời mời chính thức của Chính phủ Cộng hòa Pháp.
Bản Tiến quân ca không chỉ là một bản nhạc hay, so với nhiều bài quốc ca của các nước khác, mà nó còn đầy đủ giá trị tiêu biểu, vì nó đã gắn bó tình cảm với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trải qua nhiều chặng đường gian nan và vinh quang của lịch sử dân tộc Việt Nam. Bản Tiến quân ca ra đời trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt với cá nhân tác giả và dân tộc Việt Nam.
Nhiều năm trôi qua, bài hát trở thành hành khúc cùng nhân dân, trong suốt những năm tháng đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN và là niềm tự hào của nhân dân ta.
Năm 1955, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa I, đã quyết định giữ nguyên Tiến quân ca là Quốc ca Việt Nam và chỉ sửa đôi chút về lời của Quốc ca, cụ thể câu đầu tiên trong bản đầu của Tiến quân ca: “Đoàn quân Việt Minh đi”, sửa thành “Đoàn quân Việt Nam đi”. Theo gợi ý của đại biểu Quốc hội Khóa I, tác giả Văn Cao đã sửa câu: “Thề phanh thây uống máu quân thù” thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”. Câu cuối cùng: “Tiến lên ! Cùng thét lên ! Chí trai là nơi đầy ước nguyện”, được Văn Cao sửa: “Tiến lên! Cùng thét lên! Núi sông Việt Nam ta vững bền”, nhưng khi xuất bản thành Quốc ca, ban biên tập (được sự đồng ý của tác giả) đã sửa thành: “Tiến lên! Cùng thét lên! Nước non Việt Nam ta vững bền”. Về nhạc cũng có sửa đổi, chẳng hạn bài “Tiến quân ca” trước khi cử hành trong lễ chào cờ ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập sáng ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, đã được tác giả cùng các nhạc sỹ Nguyễn Hữu Hiếu, Đinh Ngọc Liên, Ban nhạc đã sửa 2 chỗ để tiết tấu của bản nhạc khỏe và hùng tráng hơn.
Tại Khoản 3, Điều 13 Hiến pháp năm 2013, tiếp tục quyết định: "Quốc ca nước CHXHCNVN là nhạc và lời của Tiến quân ca".
Theo đánh giá của công luận thế giới ưu điểm nổi trội nhất của Tiến quân ca (Quốc ca Việt Nam) là chất mạnh mẽ, oai hùng của nhạc. Tháng 4/2011, trang cracked.com, trang thông tin điện tử về kiến thức có uy tín của Hoa Kỳ, thu hút hàng trăm triệu người xem trên toàn cầu, đã thực hiện khảo sát qua bạn đọc đã thống nhất bình chọn Quốc ca Việt Nam là bài Quốc ca hùng tráng nhất thế giới, xếp thứ nhất trong 6 quốc gia top đầu.
Nội dung Quốc ca Việt Nam rất ngắn gọn, chủ yếu nói về những hy sinh, gian khổ của quân dân ta trong cuộc chiến đấu ngoan cường chống ngoại xâm, để giữ gìn hòa bình, độc lập cho Tổ quốc và mong ước tương lai đất nước đẹp tươi. Lời bài hát đơn giản, nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa, hòa cùng với giai điệu trầm bổng, oai hùng đã làm cho Quốc ca Việt Nam dễ đi vào lòng người nhất, khơi lên niềm cảm xúc tự hào mãnh liệt nhất trong lòng dân. Hơn nữa dân tộc ta là một dân tộc nhỏ bé, nhưng anh dũng vô cùng, đã trải qua bao cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ đất nước, đặc biệt giành thắng lợi trước nhiều quân xâm lược lớn như Nguyên - Mông thuở xưa, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thời nay, với bề dày và chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Tiếp sau Quốc ca Việt Nam, trang cracked.com xếp Quốc ca Pháp (La Marseillaire) do Claude- Joseph Rouget de Lisle viết vào tháng 4/1782, trong cuộc Cách mạng Pháp, đứng thứ hai. Bản Quốc ca nguyên tựa đề “Chant de guerre de l’arée du Rhein” (Chiến ca của quân đội miền Rhein).
Vị trí thứ 3 là Quốc ca Thổ Nhĩ Kỳ “Independence”. Thổ Nhĩ Kỳ cũng trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống quân xâm lược, giành độc lập. Lời ca chủ yếu đề cao cái chết vì Tổ quốc.
Vị trí thứ 4 là Quốc ca Hungaria “Himnusz”. Lời Quốc ca của nước này cầu nguyện Thượng đế phù trợ, nhưng trong lời ca vẫn có máu, nước mắt trẻ mồ côi.
Đứng thứ 5 là Quốc ca Italia “Il Canto degli”. Italia là một nước 3 lần khởi phát chiến tranh giành độc lập khỏi tay người Áo và mãi tới năm 1866 mới thành công. Quốc ca Italia do Goffredo Mameli viết lời ca khi mới 20 tuổi.
Đứng thứ 6 là Quốc ca Algeria, cũng là vị trí cuối cùng của bảng xếp hạng. Đất nước Algeria bị thực dân Pháp đô hộ từ năm 1830 và giành được độc lập năm 1962. Lời quốc ca do Moufdi Zakaria viết năm 1956, khi ông bị thực dân Pháp bắt giam, với những ca từ khá mạnh mẽ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin