Vào những ngày cận kề Tết Nguyên đán, chúng tôi đi dọc các tuyến đường liên xã, liên huyện bắt gặp hình ảnh cây nêu với đủ các loại màu sắc đang nhấp nháy, phát ra những ánh sáng trông rất bắt mắt. Cây nêu được người dân dựng ngay trước cổng nhà, dùng để trang trí và trấn an tinh thần chuẩn bị cho năm làm ăn mới, cầu cho những điều may mắn đến với gia đình mình.
Xong việc đồng áng, người dân tranh thủ làm cây nêu. |
Dựng cây nêu đón Tết vốn là truyền thống có từ lâu đời của cha ông ta. Tuy nhiên, theo năm tháng, phong tục này dần mai một. Đến nay, chỉ còn một số địa phương gìn giữ được. Ông Nguyễn Văn Minh ở xóm Minh Long xã Nghĩa An năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết phong tục dựng cây nêu vào dịp Tết có từ khi ông còn rất nhỏ. Năm nào, bố mẹ ông cũng trồng một cây nêu trước cổng nhà. Theo ông, ngày tết dựng cây nêu trước cổng có ý nghĩa thờ phụng thần linh, vong hồn tổ tiên, trừ ma quỷ và xua đuổi những điều xấu xa của năm cũ.
Trong phong tục của người Việt, ngày dựng cây nêu là ngày 23 tháng chạp và ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu. Theo quan niệm của người dân, “pháo thì kêu, nêu thì cao”, cây nêu Tết càng cao, càng sáng lung linh thì càng đẹp. Để làm được những cây nêu chuẩn, chi phí lên đến tiền triệu, người làm cũng phải nghiên cứu, thiết kế khéo léo. “Tôi thấy dựng cây nêu rất có ý nghĩa, ban đêm thì có bóng đèn nháy đẹp, ban ngày thì treo cờ tổ quốc. Do đó, không chỉ tôi mà trên địa bàn cả xã năm nào cũng dựng nêu trước cổng nhà…” – ông Minh cho biết thêm.
Theo phong tục cổ truyền, vào những thời khắc cuối cùng của năm cũ tức 23 tháng chạp, người dân thường chọn những cây tre hoặc máy cần, già, thẳng, dài, có ngọn và lá tươi để dựng ngay trước cổng nhà. Ngày nay, việc trồng cây nêu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn được người dân gắn thêm đèn led để trang trí để cây nêu đẹp hơn, lộng lẫy hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Đầu ngọn của cây nêu được gắn ngôi sao năm cánh cùng lá cờ Tổ quốc hoặc đèn lồng, tạo nên ý nghĩa và tinh thần đoàn kết, thêm niềm tự hào của dân tộc.
Ngày nay, việc trồng cây nêu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn được người dân gắn thêm đèn led để trang trí để cây nêu đẹp hơn, lộng lẫy hơn. |
Trước đây, phong tục trồng cây nêu đã bị mai một, nhưng mấy năm gần đây kinh tế phát triển, phong trào trồng cây nêu ở Nghĩa Đàn đang được người dân khôi phục và phát triển rầm rộ. Nhờ đó, dịch vụ bán cây nêu đang trở nên nhộn nhịp vào dịp tết. Mỗi cây nêu chưa được trang trí có giá từ 130 – 150 nghìn đồng, với những cây nêu cần nhu cầu trang trí có giá từ 700 – 800 nghìn đồng.
Sắc màu cây nêu ngày tết khi đêm đến. |
Những ngày này, cùng với sắc màu đỏ thắm của hoa đào, màu vàng may mắn của cây quất, thì hình ảnh những cây nêu cùng lá cờ Tổ quốc đang tung bay trong gió như tạo nên một cảnh sắc rực rỡ, vui tươi trong khoảnh khắc tết đến xuân về.
“Việc trồng nêu đón tết Cổ truyền không chỉ đem lại không khí vui Tết đón Xuân rộn ràng cho các địa phương, mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống ngàn xưa của dân tộc. Đến thời điểm này hầu hết mọi gia đình đã treo một cây nêu thật đẹp ngay trước cổng nhà và trang hoàng, rực rỡ với những cây nêu ngày tết. Việc dựng cây nêu, khi mỗi độ Xuân về, Tết đến - là nét văn hóa truyền thống cần lưu giữ, để thế hệ con cháu sau này hiểu thêm về ý nghĩa ngày Tết truyền thống của Việt Nam" - Ông Lê Thái Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn trao đổi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin