Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hàng nghìn sinh viên đã không đạt được tiến độ tốt nghiệp như kế hoạch. |
Linh hoạt xét tốt nghiệp nhiều đợt
Theo ông Nguyễn Trường Thịnh, phụ trách Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, so với những năm trước, tháng 9 năm nay chỉ có khoảng 30% sinh viên của trường tốt nghiệp, số còn lại chưa thể tốt nghiệp đúng tiến độ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 2 năm qua. Nguyên nhân là sinh viên không thi được chuẩn đầu ra ngoại ngữ, nhiều môn thực hành tại trường nhưng sinh viên không thể đi do giãn cách xã hội.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng tiến độ bị giảm hơn 50% vì nhiều em học khối kỹ thuật không thể làm được các thí nghiệm. Bình thường mỗi năm có khoảng 3.000 sinh viên được xét tốt nghiệp nhưng đợt vừa rồi chỉ xét cho hơn 1.000 em. PGS.TS Nguyễn Đắc Trung, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thông tin, năm 2021, trường có 3.288 sinh viên tốt nghiệp, trong khi con số này hằng năm là 4.500.
Hằng năm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xét tốt nghiệp 4 đợt, bây giờ có thể xét tốt nghiệp bất kỳ thời gian nào khi sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp, ông Trung nói. TS Trần Hà Thanh, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, cho hay, do thực tập, thực hành không làm được nên sinh viên không hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Giải pháp nhà trường đưa ra là tăng số đợt xét tốt nghiệp trong năm từ 3 lên 5 đợt.
Việc đạt chuẩn đầu ra của sinh viên cũng chịu ảnh hưởng. Theo quy định của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sinh viên muốn nhận bằng tốt nghiệp phải bơi được tối thiểu 50m, một nội dung trong phần kỹ năng mềm của chuẩn đầu ra. Nhưng do dịch COVID-19, trường không thể tổ chức dạy học môn bơi lội và một số môn vận động khác.
Để tạo điều kiện cho sinh viên thuộc diện chậm tiến độ tốt nghiệp kịp thời được xét tốt nghiệp vào đầu năm 2022, trường mở thêm một số nhóm môn học bổ sung giảng dạy trực tuyến để sinh viên đăng ký.
Những sinh viên bị trễ hạn hoặc quá hạn đào tạo do chưa hoàn thành môn bơi và kỳ 1 năm học 2021-2022 môn này không thể giảng dạy được, trường đồng ý cho sinh viên được học một trong các môn để thay thế, gồm taekwondo, hatha yoga, thể hình-fitness.
Đối với những cơ sở giáo dục ĐH đã mở cửa trở lại, sinh viên phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch COVID-19 như đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin… Nếu là sinh viên ngoại tỉnh thuộc vùng xanh, cần có kết quả xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ.
ĐH đầu tiên ở phía Bắc mở cửa trở lại
Nhiều trường ĐH khối kỹ thuật với đặc thù phải thực hành, thực nghiệm nhiều bắt đầu triển khai kế hoạch đón sinh viên trở lại học trực tiếp, trong đó đối tượng ưu tiên là sinh viên năm cuối. Hầu hết sinh viên đều ở tỉnh và để các em quay lại TPHCM hay Hà Nội còn khó khăn.
Hiện nay, các mô-đun môn học liên quan thực hành với máy móc đều phải dời lại, chờ dịch giảm bớt mới tính đến mở trở lại. Các trường cũng tính đến phương án dạy bù cho sinh viên.
Các trường ĐH khu vực Hà Nội vẫn đang đợi quyết định của UBND thành phố, trừ Trường ĐH Y Hà Nội do 90% sinh viên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nên dự kiến sẽ quay trở lại trường học trực tiếp từ tuần này. TPHCM đang lên kế hoạch cho sinh viên quay lại từng phần.
Ở khu vực phía Bắc, ĐH Thái Nguyên là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên mở cửa đón sinh viên học trực tiếp. Hơn 13.000 sinh viên, học viên đã trở lại trường học tập. Các trường thành viên đã khảo sát, phân loại người học theo vùng (vùng xanh, vàng, cam, đỏ) để tổ chức cho người học trở lại học trực tiếp phù hợp. Cụ thể, Trường ĐH Y - Dược đón trên 7.000 sinh viên, tổ chức thành 2 đợt.
Hôm qua, sinh viên khóa 19 của Trường ĐH Khoa học trở lại trường học tập. Các khóa còn lại sẽ tổ chức học từ ngày 25/10 với 2.045 sinh viên. Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp dự kiến đón thêm 3.000 sinh viên hệ chính quy các khóa 54, 56 vào hai ngày 17 và 24/10. Trong tháng 10, ĐH Thái Nguyên dự kiến đón hơn 23.000 người học quay lại trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin