Trăn trở với “sự học” ở vùng lòng hồ Hữu Khuông

22:09, 10/11/2021
Hữu Khuông là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Nghệ An và cả nước, nằm biệt lập giữa núi rừng và lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Cuộc sống đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện chủ trương đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các trường học gặp nhiều hạn chế. 

Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học 

Để đến trung tâm xã, từ bến thượng lưu lòng hồ Bản Vẽ, các thầy cô phải đi thuyền mất khoảng 3 tiếng đồng hồ mới vào tới nơi. Do giao thông cách trở, địa bàn xã rộng, dân cư phân tán, lại bị chia cắt phức tạp bởi lòng hồ, đời sống của đồng bào ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Toàn xã hiện có 53,98%  hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 9,4%.

Nằm giữa lòng hồ rộng mênh mông, Hữu Khuông trở thành một “ốc đảo” gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Hữu Khuông có 554 hộ, sinh sống ở 7 bản, gồm: Con Phen, Pủng Bón, Tủng Hốc, Chà Lâng, Bản Xàn, Huồi Cọ và Huồi Pủng; 100% là đồng bào dân tộc ít người với ba dân tộc anh em Thái, H’Mông và Khơ Mú chung sống. Địa hình nơi đây núi non bao bọc, nằm giữa lòng hồ rộng mênh mông, khiến cho Hữu Khuông trở thành một “ốc đảo” gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đứng chân trên địa bàn khó khăn, 3 ngôi trường của 3 cấp học gồm Trường PTDTBT THCS, trường Tiểu học và trường Mầm non Hữu Khuông cũng gặp vô vàn gian khó. Thêm vào đó là sự quan tâm đến việc học hành của con cái của bà con cũng còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo chương trình GDPT 2018 của các trường học vì thế cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

Địa hình chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, muốn tới trường học sinh ở Hữu Khuông phải đi bộ, đi xuồng, trèo đèo lội suối rất vất vả.

Trường Tiểu học Hữu Khuông có 293 học sinh với 17 lớp, ngoài điểm trường chính tại bản Pủng Bón, thì còn có 3 điểm lẻ gồm Bản Sàn, Chà Lâng và Tủng Hốc với 11 lớp. Trong đó, điểm trường Tiểu học tại bản Tủng Hốc hiện chỉ có 5 phòng học, đang thiếu phòng ở cho giáo viên. Do vậy, trường phải ngăn đôi 4 phòng cho các em học, còn lại 1 phòng cho 4 thầy cô giáo ở tạm. Thiếu phòng học đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình học tập cũng như giảng dạy của thầy và trò ở đây.

Chỗ ở các thầy giáo trường Tiểu học Hữu Khuông chỉ là căn phòng căng bạt tạm bợ.

Điểm trường bản Tủng Hốc không phải là nơi duy nhất của trường Tiểu học Hữu Khuông thiếu phòng học, phòng giáo viên và nhà công vụ. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông cho biết, hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường hầu như đang thiếu thốn. Tại điểm trường chính vẫn còn thiếu 6 phòng học, các phòng đa chức năng chưa có để học sinh hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, nhà ở bán trú cho 106 học sinh tại điểm chính hiện vẫn phải sử dụng nhà gỗ thưng ván tạm bợ. Vì thế, vào mùa hè thì nóng bức, còn mùa đông thì rét buốt, không đảm bảo vấn đề sức khỏe cho học sinh. Ngay cả nhà ăn bán trú hiện vẫn chưa có, các thầy cô phải đóng tạm bàn ghế kê bằng ván gỗ cho các em ngồi ăn. 

Điểm chính trường Tiểu học Hữu Khuông tại bản Pủng Bón, không chỉ thiếu phòng học mà hiện vẫn chưa có khu ký túc xá cho giáo viên.

“Nhà trường mong muốn được các cấp, ngành quan tâm, đầu tư xây dựng thêm phòng học, nhà công vụ, các phòng đa chức năng để phục vụ việc học tập và nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, mong muốn được xây dựng nhà ở bán trú kiên cố để đáp ứng nhu cầu học tập và đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh” - thầy giáo Lê Tuyên Huấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hữu Khuông bày tỏ.

Phòng ở của các em học sinh trường Tiểu học Hữu Khuông được dựng tạm bằng nhà gỗ ghép ván.

Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông có tổng số 6 lớp với 209 học sinh, trong đó có 184 học sinh ở bán trú. Hầu hết cơ sở vật chất của nhà trường còn rất thiếu thốn, không chỉ thiếu phòng học, mà đến nay trường cũng chưa có phòng thực hành và các phòng chức năng. Hơn nữa, do diện tích của trường quá nhỏ hẹp, phải phân tán thành 3 điểm, không có quỹ đất để mở rộng khuôn viên, xây trường và các phòng chức năng. Hiện tại, diện tích phòng học, phòng ở, cũng như ký túc xá của giáo viên và học sinh đều không đảm bảo, quá nhỏ hẹp.

Khuôn viên khu ký túc xá trường PTDTBT THCS Hữu Khuông nằm ở khu vực thung lũng rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất không đảm bảo an toàn cho học sinh.

Thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng cao 

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, nên công tác dạy học ở “ốc đảo” Hữu Khuông đã có nhiều khởi sắc. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ giáo viên, học sinh của các trường học ở Hữu Khuông đã không ngừng nỗ lực dạy tốt học tốt, nề nếp, kỷ cương luôn được giữ vững. Chất lượng cán bộ quản lý và giáo viên của các trường học không ngừng được nâng cao. Đáng ghi nhận, năm học 2020-2021, trường  PTDTBT THCS Hữu Khuông và trường Tiểu học Hữu Khuông vinh dự được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Đây là thành tích không nhỏ, minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên của thầy và trò ở vùng gian khó, biệt lập của huyện Tương Dương. 

Do không đủ phòng ở và giường ngủ nên phải bố trí từ 2-3 em/1 giường.

Tuy nhiên, để trong thời gian tới, trường học đảm bảo chuẩn CSVC theo Thông tư 13 của Bộ Giáo dục, thầy giáo Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trường trường PTDTBT THCS Hữu Khuông mong muốn: sẽ được quy hoạch lại địa điểm mới có đủ diện tích để xây mới trường học, ký túc xá học sinh, sân chơi bãi tập, xây dụng đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, công trình phụ trợ khác. Đồng thời, mong muốn được các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm tài trợ các trang thiết bị dạy học để đáp ứng nhu cầu dạy học, thực hiện chương trình GDPT 2018. Nhất là, tài trợ bàn ghế, SGK, đồ dùng học tập, các dụng cụ, CSVC xây dựng các công trình phụ trợ cho học sinh bán trú.

Không chỉ thiếu thốn, hầu hết cơ sở vật chất trong khu ký túc xá đã xuống cấp trầm trọng...

“Các nhà trường cũng mong muốn có một cơ chế đặc thù cho xã Hữu Khuông về thuyên chuyển, biệt phái CB,GV,NV để họ yên tâm công tác, cống hiến cho Hữu Khuông. Hàng năm, hỗ trợ một phần kinh phí để động viên, thu hút giáo viên về vùng lòng hồ công tác” - Hiệu trường trường PTDTBT THCS Hữu Khuông đề xuất.

Trong nhiều năm qua, huyện Tương Dương luôn tạo mọi điều kiện để GV cắm bản lẻ ở tất cả các vùng khó khăn trên địa bàn huyện phần nào yên tâm công tác. Tuy nhiên, do Tương Dương là một trong những huyện nghèo của tỉnh Nghệ An, nên tất cả các điểm ở bản lẻ phần lớn về cơ sở vật chất lớp học không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, cả huyện có gần 700 lớp học, với gần 16.700 học sinh. Thầy trò nhiều nơi vẫn phải dạy học trong các phòng học tạm bợ và mượn, có gần hơn 3000 bộ bàn ghế xuống cấp. Toàn ngành giáo dục có 1441 cán bộ, GV. Trong đó, có 508 giáo viên dạy tại các điểm bản lẻ, chủ yếu là GV bậc Mầm non và Tiểu học. Bỏ lại sau lưng cuộc sống thuận lợi ở miền xuôi, vượt qua hàng trăm cây số đường đèo, lội suối ngược rừng, những thầy cô giáo “cắm bản” điểm trường lẻ đã và đang ngày đêm thắp sáng sự học cho các em học sinh vùng cao Tương Dương..

Lãnh đạo huyện và phòng GD&ĐT huyện Tương Dương ân cần trò chuyện, động viên 1 em học sinh khuyết tật của trường PTDTBT THCS Hữu Khuông.

“Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, yêu cầu cần phải có CSVC đảm bảo, tuy nhiên điều này rất khó khăn với huyện Tương Dương. Do vậy, hiện nay, chúng tôi đã thông qua UBMTTQ kêu gọi các tổ chức, các DN, các nhà hảo tâm có đóng góp thiết thực để giúp huyện sớm củng cố CSVC để sớm triển khai nhiệm vụ năm học. Đơn cử như xã Hữu Khuông là xã biệt lập trong vùng lòng hồ có điều kiện KT-XH rất khó khăn. Do đó khi triển khai nhiệm vụ liên quan đến xây dựng kết cấu hạ tầng huy động nguồn lực cho giáo dục gặp rất nhiều bất cập. Đồng bào có tâm cũng muốn đóng góp nguồn lực để xây dựng CSVC tốt nhất cho con em mình nhưng ngoài sức của bà con. Trong khi đó, điều kiện của xã, huyện chưa đáp ứng được. Vì vậy, chúng tôi phải kêu gọi, huy động từ các nguồn lực khác và mong muốn được sự hỗ trợ giúp đỡ của các cấp các ngành để có nguồn lực  thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, dù khó khăn đến mấy huyện cũng phải tìm cách "gỡ khó" để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, không vì khó khăn mà để con em phải chịu thiệt thòi, không theo kịp chương trình của ngành GD&ĐT đã đề ra” -  ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương trao đổi. 

Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông đứng chân trên 1 khuôn viên chật hẹp không đủ diện tích để tổ chức các hoạt động dạy và học.

Phát triển giáo dục toàn diện ở vùng cao Tương Dương vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở. Tuy toàn huyện không còn điểm dân cư xa xôi nào không có trường, lớp học cho trẻ nhỏ, nhưng điều kiện dạy và học ở từng bậc học, từng địa bàn lại không đồng đều. Trong điều kiện khó khăn về nhiều mặt, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các cấp và các bậc phụ huynh, rất mong được sự chung tay, giúp đỡ của các cấp các ngành và của cả cộng đồng. Hy vọng qua đó sẽ huy động nguồn lực, mang lại điều kiện học tập tốt, thắp sáng ước mơ cho trẻ em nghèo đồng bào dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các bản làng vùng sâu, vùng xa Tương Dương.  
 

Hiến Chương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện