Ngày 10/2, học sinh lớp 6 và học sinh tại các trường tiểu học ở ngoại thành Hà Nội chính thức trở lại trường sau thời gian dài học online phòng, chống dịch COVID-19.
Học sinh đến trường trong bầu không khí hân hoan được gặp lại bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, học sinh tiểu học là nhóm tuổi chưa tiêm vaccine COVID-19 nên cũng có không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Học sinh tiểu học tại Hà Nội trở lại trường. |
Theo ý kiến chuyên gia nhi khoa, việc trẻ em đến trường là hết sức cần thiết. Với trẻ cấp 1, điều cần thiết là tiếp xúc xã hội, cần có bạn bè để chia sẻ, cần có môi trường để có thể giao lưu và hình thành nhân cách.
Từ góc độ nhi khoa và một bác sĩ nhi khoa TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BVĐK Đức Giang cho rằng: “Chúng ta không thể bắt trẻ em ở nhà mãi, vì nó sẽ tạo một thế hệ không giao tiếp với xã hội và chỉ ở trong bốn bức tường. Do vậy, trẻ em cần đến trường càng sớm càng tốt. Đây vừa là quyền lợi của trẻ em vừa là trách nhiệm của những người bố, người mẹ”.
Vậy đến trường như thế nào để an toàn? Các chuyên gia cho rằng, câu trả lời đầu tiên cho vấn đề này là “tiêm vaccine”. Thứ 2, sau khi tiêm vaccine, thầy cô và các bậc phụ huynh vẫn phải hướng dẫn để học sinh và nhất là học sinh ở lứa tuổi nhỏ thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách…
Thực tế, Việt Nam hiện nay đã có trên 80% dân số được tiêm vaccine COVID-19 - ngưỡng đạt miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, trẻ em là nhóm đối tượng ít bị ảnh hưởng, bị chuyển nặng và có tỷ lệ tử vong thấp nếu không may mắc bệnh. Đây cũng là những yếu tố để các gia đình yên tâm cho con em trở lại trường.
Thời gian tới Bộ Y tế sẽ tiếp tục ban hành các hướng dẫn chi tiết để tổ chức triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi. PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Bộ Y tế sẽ tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến chi tiết, cụ thể về các phản ứng, theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm.
Trong hướng dẫn về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em nói chung, bao gồm cả nhóm 12-17 tuổi và cả nhóm từ 5-11 tuổi, đều có hướng dẫn là người giám hộ, người chăm sóc hoàn toàn có mặt trong các buổi tiêm chủng và hỗ trợ trẻ trong buổi tiêm. Ngoài việc ký đồng ý chấp thuận, cha mẹ cũng có thể tham gia để có thể giúp đỡ trẻ trong quá trình này. Việc gia đình tham gia theo dõi sức khỏe cho trẻ là điều bắt buộc, vì ngay cả người lớn cũng được khuyến cáo khi tiêm xong không được ở một mình.
Thời gian tới các trường học trên địa bàn Hà Nội từ ngoại thành đến nội thành sẽ mở cửa trở lại để học sinh đi học trực tiếp, trong đó có các trường tiểu học. Trong bối cảnh Hà Nội vẫn ghi nhận gần 3.000 ca mắc mới COVID-19 mới mỗi ngày, dự báo sẽ không tránh được trường hợp ghi nhận F0 tại lớp học, vậy cần xử trí như thế nào để tránh tâm lý hoang mang, đặc biệt, tránh trẻ sẽ nghỉ đồng loạt, không dám đến trường.
Theo TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BVĐK Đức Giang, khi trẻ đến trường, bố mẹ cũng phải chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng phối hợp với nhà trường, thầy cô giáo trong trường hợp phát hiện F0 trong nhà trường.
“Chúng ta không khỏi hoang mang. Khi đó, trẻ có thể là F1 và thầy cô cùng bố mẹ phải thực hiện ngay hướng dẫn phòng, chống dịch của Bộ Y tế, để làm sao mà cách ly, khoanh vùng hẹp nhất vừa đảm bảo phòng dịch vừa để trường vẫn hoạt động bình thường. Bộ Y tế đã có quy định khoảng cách tiếp xúc, thời gian tiếp xúc để xác định những trường hợp này học sinh tạm thời cách ly, học online; khử khuẩn các khu vực liên quan đến F0 và những trường hợp khác tiếp tục học bình thường”, TS Nguyễn Văn Thường nói./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin