Giáo dục

Gian nan đường đến trường của giáo viên vùng cao mùa mưa lũ

10:37, 13/09/2022
Năm học mới 2022-2023 đã bắt đầu được 1 tuần, nhưng với các cô giáo mầm non ở những điểm trường vùng cao tại xã Bảo Nam, Chiêu Lưu, Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, hành trình mang con chữ đến với các em học sinh lại gập ghềnh, gian nan hơn bao giờ hết do mưa lũ.

Theo báo cáo trong đợt mưa lũ từ ngày 4/9, xã Bảo Nam là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lũ đã làm tuyến đường giao thông liên xã, liên bản bị ách tắc, có tới 62 điểm sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 4.000m3. Trong đó, quãng đường từ Trường Mầm non Bảo Nam, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn đến các điểm lẻ dài chưa tới 10km nhưng các cô giáo phải mất gần 7 giờ đồng hồ đi bộ. 

Các cô giáo mầm non Bảo nam xuất phát đến các điểm trường lẻ.
Các cô giáo Trường Mầm non Bảo Nam xuất phát đến các điểm trường lẻ.

Khởi hành cùng 8 đồng nghiệp từ cơ sở chính là trường Mầm non Bảo Nam, tại bản Nam Tiến 1, xã Bảo Nam, sau hơn 7 tiếng đồng hồ đi bộ, cô Lương Thị Bé và cô Lô Thị Mai mới vào được điểm trường mình dạy tại bản Huồi Hốc, xã Bảo Nam. 6 cô giáo khác, cứ hai cô một điểm trường gần hơn cũng phải mất gần 4 tiếng mới đến được các điểm trường lẻ tại các bản Thảo Đi, Lưu Tân và Hín Pèn (xã Bảo Nam).

Các cô giáo lội bùn lầy đến các điểm trường.
Đường hẹp, dốc đứng cheo leo, trơn trượt nên các cô phải bám cây cỏ để đi.

Hành trang các các mang theo là vài bộ quần áo, một ít nhu yếu phẩm cần thiết. Bởi các cô xác định, với quãng đường và thời gian đi bộ lâu như thế thì không thể mang theo nhiều đồ đạc. Đặc biệt, trên đoạn đường này có những điểm sạt lở nguy hiểm khi lòng đường đã bị đất đá từ trên núi vùi lấp hết. Để đi qua, các cô giáo phải men theo con đường nhỏ cheo leo nằm sát sườn núi, bên dưới là vực sâu hun hút để vượt qua các chỗ bị sạt lở đến trường.

Men theo các khe suối để đến các điểm trường.
Men theo các khe suối để đến các điểm trường.

Dù đã có thâm niên gần 20 năm dạy học ở điểm trường lẻ nhưng mùa mưa năm nay là một dấu ấn không thể nào quên được với cô Lương Thị Bé. Cô Bé chia sẻ: Con đường bị sạt lở nhiều nên các cô vừa đi vừa nghỉ, nhất là khi men theo những con đường cheo leo bên sườn núi để vượt qua chỗ sạt lở bùn đất nhão nhoét, khó di chuyển. Từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều các cô mới vào đến bản Huồi Hốc.

Bữa trưa tiện lợi trên đường đi.
Các cô giáo nghỉ giữa đường để lấy sức tiếp tục hành trình.

Cô Phạm Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bảo Nam, cho biết: Năm học này, mưa lũ làm chia cắt các tuyến giao thông trong xã nên các nhà trường không tiến hành khai giảng. Dẫu biết các tuyến đường vào các điểm trường còn bị ách tắc do sạt lở nhưng không thể để học sinh không được đến trường nên các giáo viên đồng thuận, sẵn sàng vượt khó đi bộ đến các điểm trường để khắc phục hậu quả mưa lũ sớm đón học sinh trở lại trường.

Còn với các cô giáo Trường Mầm non Chiêu Lưu 2, ngôi trường Chuẩn quốc gia gần như tan hoang sau trận mưa lũ ngày khai giảng. Mưa lũ đã làm sập 50 m bờ rào tường xây, 90m bờ rào thép B40; cuốn trôi và làm hư hỏng hệ thống đồ dùng dạy học, đồ chơi của các cháu; mưa lũ rút để lại một khối lượng bùn đất ltrong toàn bộ khuôn viên nhà trường… phải mất gần 2 ngày, chính quyền xã huy động toàn bộ cán bộ, công chức, dân quân và hàng trăm phụ huynh học sinh cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chung tay khắc phục để đón các cháu tới trường.

“Trận mưa lớn tối 11/9 tiếp tục làm sạt lở đất và nước Khe Thù dâng cao khiến một số giáo viên nhà ở phía ngoài muốn vào trường phải đi vòng xuống Cửa Rào, huyện Tương Dương với quãng đường hàng trăm km để vào trường”, cô Phan Thị Hiếu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiêu Lưu chia sẻ.

Người dân hỗ trợ khiêng xe máy qua tràn Xốp Thập (Hữu Lập).
Người dân hỗ trợ khiêng xe máy qua tràn Xốp Thập (Hữu Lập).

Cùng chung nỗi vất vả, các cô giáo Trường Mầm non Hữu Lập, là trường Mầm non được công nhận trường Đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, nhưng trận mưa lũ đã làm đổ cả bức tường rào dài gần 20 m, làm hư hỏng toàn bộ đồ chơi, đồ dùng khu trải nghiệm của trẻ. Một số điểm trường tại bản Noọng Ó, Chà Lắn mưa lũ làm cuốn trôi đất đất đá vào khuôn viên điểm trường, làm sạt lở ách tắc tuyến đường giao thông độc đạo này nên các cô giáo ở đây chưa thể vào điểm trường này để tiến hành dạy học được.

Người dân hỗ trợ các cô giáo đi qua tràn sau mưa lũ.
Người dân hỗ trợ các cô giáo đi qua tràn sau mưa lũ.

Còn tại điểm trường chính mưa lũ làm nước Khe Nhì dâng cao, điểm tràn Xốp Thập nước chảy rất mạnh, các cô giáo phải có người dân hỗ trợ thì mới đi qua được. “Nếu không có người giúp thì các cô không thể di chuyển qua cầu tràn”, cô Lô Thị Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hữu Lập chia sẻ thêm.

Những khó khăn trong việc đến trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc hàng ngày của giáo viên vùng cao. Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn đó là tình yêu thương, sự hi sinh cao cả của các cô giáo mầm non trên con đường gieo chữ đầy khó khăn nơi biên cương./.

Tình Dương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện