Giáo dục

Trường nào có số ứng viên được đề nghị xét GS, PGS nhiều nhất?

15:06, 31/10/2022
Trường Đại học Cần Thơ dẫn đầu danh sách sơ sở đào tạo đại học có số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất năm 2022. 

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 394 ứng viên đủ điều kiện xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư được 28 Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành thông qua. Trong đó có 36 ứng viên giáo sư và 358 ứng viên phó giáo sư.

Trước đó, danh sách ứng viên giáo sư, phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành là 479 ứng viên, trong đó có 51 ứng viên giáo sư và 428 ứng viên phó giáo sư.

Tuy nhiên, sau khi Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành xét duyệt thì số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư không đạt là 85 ứng viên, trong đó có 15 ứng viên giáo sư và 70 ứng viên phó giáo sư.

Để đánh giá tổng quan, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có thống kê về danh sách các trường đại học có số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất năm 2022 (căn cứ trên số liệu công bố của Hội đồng Giáo sư Nhà nước).

Trường đại học có số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất năm 2022:

 

Theo đó, năm 2022, Trường Đại học Cần Thơ có số lượng ứng viên đủ điều kiện xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư nhiều nhất.

Cụ thể, trường có tổng số 23 ứng viên, trong đó có 3 ứng viên giáo sư, 20 ứng viên phó giáo sư. Trường cũng có số lượng ứng viên giáo sư bằng với Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Đứng vị trí thứ 2 trong danh sách là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong tổng số 16 ứng viên của trường có 2 ứng viên giáo sư và 14 ứng viên phó giáo sư.

Tiếp đến là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) gồm 12 ứng viên, trong đó có 3 ứng viên giáo sư, 9 ứng viên phó giáo sư.

Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Thủy lợi có tổng số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư bằng nhau là 11 người. Phân tách riêng các chức danh thì số ứng viên giáo sư, phó giáo sư của hai đơn vị này chênh lệch nhau không đáng kể. Cụ thể, Trường Đại học Y Hà Nội có 2 ứng viên giáo sư và 9 ứng viên phó giáo sư. Trường Đại học Thủy lợi có 1 ứng viên giáo sư và 10 ứng viên phó giáo sư.

3 trường đại học có số lượng ứng viên bằng nhau - 8 ứng viên - đó là: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo phân tích biểu đồ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh... không có ứng viên giáo sư nào.

Bàn về số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm nay, Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vinh, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ, số lượng ứng viên được đề nghị xét công nhận tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước năm nay phản ánh đúng quy trình công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và được thực hiện một cách chặt chẽ, hiệu quả và minh bạch.

Trên thực tế, các trường đại học luôn có những chính sách để tăng tính cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn, khả năng nghiên cứu khoa học và có trình độ cao. Trình độ cao này thường được đo bằng chức danh học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, hoặc tốt nghiệp xuất sắc tại các trường đại học uy tín, nổi tiếng ở nước ngoài.

Tiến sĩ Vinh cho rằng, nhìn vào thực tế hiện nay, với quy mô trường đại học và số lượng sinh viên ngày càng có xu hướng tăng lên thì số lượng giảng viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục còn ít, khó đáp ứng nhu cầu thực tế.

Cũng theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, cả nước có hơn 1.450 người được công nhận giáo sư. Độ tuổi ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư ngày càng trẻ hơn là từ 45- 55 tuổi. Song, số lượng giáo sư tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay chưa đến một nửa.

Bàn về sự sụt giảm số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư của vài năm nay gần đây so với các năm trước, Tiến sĩ Vinh chia sẻ: "Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến số lượng giảng viên là giáo sư, phó giáo sư giảm là do kể từ khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ - TTg về quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, thủ tục xét hủy công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Theo quy luật, khi những tiêu chí xét duyệt thay đổi, thì cũng đồng thời kéo theo những biến động về số lượng giáo sư, phó giáo sư. Hay nói cách khác, tiêu chí xét duyệt cao hơn thì yêu cầu chuẩn chất lượng tăng; số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận chuẩn chức danh sẽ có xu hướng giảm".

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện