Trước thông tin gây sốc khi hai đơn vị sở hữu bài thi IELTS tại Việt Nam bao gồm Hội đồng Anh (British Council) và IDP đều đã thông báo tạm hoãn các kỳ thi IELTS cho đến khi có thông tin mới, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã đưa ra những lí giải về vấn đề này.
Không kiểm soát được chất lượng
Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ. Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của người dự thi lấy chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức tuyển dụng xác định được năng lực ngoại ngữ của người lao động.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập.
Hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
Cũng theo ông Độ, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát...) dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
“Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam”- ông Độ nhấn mạnh.
Lý giải ra sao về việc một số trung tâm phải dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ?, ông Độ cho rằng, triển khai thực hiện Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đang tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại Việt Nam.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các bên liên kết thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức (trực tiếp, gián tiếp, qua điện thoại, e-mail) và khẩn trương trong việc nghiên cứu các đề án và tổ chức thẩm định.
Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GDĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt theo quy định. Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị.
Bao giờ sẽ tiếp tục hoạt động thi, cấp chứng chỉ?
Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị Bộ GDĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.
Như vậy, các bên có nhu cầu liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định nêu trên. Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định hiện hành (thời gian thẩm định và phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 86/2018 là 20 ngày). Sau khi phê duyệt, Bộ GDĐT sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử tại địa chỉ http://moet.gov.vn để người dân biết, lựa chọn đúng cơ sở dự thi lấy chứng chỉ và để xã hội cùng tham gia giám sát.
Do một số quy định còn chưa cụ thể?
Việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP còn chưa cụ thể.
Vì vậy, Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định cụ thể về việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam.
Nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT cụ thể hóa các yếu tố bảo đảm chất lượng theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.
Trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện văn bản, Bộ GDĐT đã tổ chức lấy ý kiến trực tiếp và gián tiếp đối với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước, quốc tế và đã nhận được sự đồng thuận. Thời gian lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức là 60 ngày theo quy định của pháp luật, nhưng trên thực tế dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT từ tháng 11/2021 và được ban hành vào cuối tháng 7/2022.
Nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các địa phương để bảo đảm hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài được triển khai đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích của người được cấp chứng chỉ và các bên liên kết, Bộ GD&ĐT cũng ban hành Công văn số 5781/BGDĐT-QLCL ngày 08/11/2022. Công văn này đôn đốc, chỉ đạo các Sở GD&ĐT tham mưu với UBND cấp tỉnh thực hiện đúng trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin