Chọn môn học theo ngẫu hứng
Năm 2022-2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới từ lớp 10. Bộ GD&ĐT quy định, mỗi học sinh sẽ học 8 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc. Ngoài ra, học sinh sẽ lựa chọn 4 trong 9 môn còn lại để học.
Bộ GD&ĐT cho phép các nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế gồm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để sắp xếp các môn học phù hợp. Thực tế, sau một học kỳ, đến nay có tình trạng học sinh chọn nhầm môn học, tổ hợp và có nguyện vọng thay đổi nhưng trường, sở cũng lúng túng chưa biết xoay xở thế nào.
Học sinh lớp 10 năm nay gặp khó khi chọn sai môn học |
Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thực tế đang rất khó khăn và vẫn chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT. “Ví dụ, học sinh đã xác định chọn khối A1 gồm: Toán, Vật lí, Hóa học nhưng sau một học kỳ muốn đổi sang khối khác vì khó quá thì môn tự chọn mới sẽ không có điểm học kỳ I và kế hoạch bổ trợ kiến thức thế nào cũng chưa rõ”, ông Quyền nói.
“Với việc lựa chọn môn học như hiện nay là thay đổi lớn so với trước đây, do đó ngay từ đầu lớp 10 học sinh, phụ huynh phải cân nhắc kỹ để lựa chọn tổ hợp. Điều này khác với trước đây học sinh học tất cả các môn và có thể thay đổi định hướng bất cứ thời điểm nào”, ông Hà Xuân Nhâm lưu ý.
Ông Lê Văn Dị, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hóa) chia sẻ thực trạng năm đầu tiên học sinh lựa chọn môn học ngẫu hứng kiểu “cá rô theo đàn”, chọn theo bạn. “Nói nhà trường tuyên truyền, định hướng để các em lựa chọn môn học nhưng cách làm hiện nay là ghép làm sao cho vừa lớp, đủ giờ giáo viên chứ không vì quyền lợi, nguyện vọng của học sinh. Ví dụ, học sinh muốn đăng ký môn Âm nhạc - Mỹ thuật, nhà trường phải nói thẳng môn này không có giáo viên để dạy. Chưa kể, trong bối cảnh sẽ thay đổi thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH trong những năm tới, nhà trường không biết các trường sẽ tuyển sinh như thế nào để định hướng”, ông Dị lo lắng.
Một bất cập lớn hiện nay là học sinh rất khó chuyển trường, chuyển lớp. Nếu như trước đây, học hết học kỳ I, lớp 12 các em vẫn có thể chuyển khối thi thì nay không thể thực hiện. Ví dụ, học sinh học ở một trường từ miền Nam chuyển đi tỉnh khác, ở trường cũ có dạy môn này nhưng đến trường mới không có, hoặc đang học khối này muốn chuyển sang khối khác cũng rất bất cập. Khi đó học sinh dễ bị hổng kiến thức các môn trong tổ hợp nhưng nhà trường không thể bố trí giáo viên dạy bù kiến thức gây khó khăn cho trường và học sinh.
Với những bất cập đó, ông Dị cho rằng, chủ trương lựa chọn môn học không đi vào thực tế, không thuận lợi cho học sinh. Vì hiện nay, với 8 môn học bắt buộc và 4 môn lựa chọn các em đã học 12 môn không khác nhiều so với trước, do đó nên học tất cả các môn để các em tự do định hướng ngành nghề.
Khó đáp ứng hết nguyện vọng của học sinh
Hiệu trưởng một trường THPT tại Hà Nội nói rằng, đầu năm học Bộ GD&ĐT điều chỉnh Lịch sử từ môn tự chọn sang bắt buộc nhà trường đã phải xây dựng lại tổ hợp các môn lựa chọn đồng thời tư vấn rất kỹ cho giáo viên và học sinh để họ có thời gian suy nghĩ, quyết định. Cũng có những trường cho học sinh đăng ký “ào ào” đến nay kêu nhiều em nhận thấy sai lầm và muốn chuyển tổ hợp đều ở trong tình trạng chờ. “Thậm chí nếu chuyển thì nhà trường cũng đang băn khoăn, một học sinh lớp 10 học Vật lý lên lớp 11 chọn Hóa học liệu có đủ điều kiện thi tốt nghiệp hay không?”, Hiệu trưởng trường này nói.
Ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này Bộ GD&ĐT chưa có hướng dẫn về vấn đề chuyển trường, đổi nguyện vọng. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, các trường căn cứ điều kiện thực tế về nhân lực, cơ sở vật chất để xây dựng các tổ hợp. Theo đó, nếu nói đáp ứng được tất cả nguyện vọng cho học sinh sẽ rất khó. Chưa kể, từ đầu lớp 10 học sinh chọn tổ hợp này nhưng nay muốn xin sang tổ hợp khác cũng phải đánh giá kiến thức, năng lực có đáp ứng hay không.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin