Đề xuất hợp nhất cao đẳng vào đại học
Trong văn bản gửi Thủ tướng hôm 15/5, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các trường đại học, và cho phép trường cao đẳng được tự đăng ký lựa chọn mô hình dạy nghề hoặc chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã bãi bỏ những quy định liên quan đến trình độ cao đẳng thuộc bậc đại học ở các luật trước đó. Điều này đang để lại hệ lụy như hạ chuẩn trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, hạn chế liên thông, triệt tiêu thế mạnh của các trường đại học định hướng ứng dụng, đặc biệt là các trường đại học địa phương.
Đề xuất đưa trường cao đẳng về lại cho trường đại học quản lý. |
Do đó, Hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật sớm nhất có thể. Trong khi chờ sửa Luật Giáo dục đại học, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép khôi phục lại nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục đại học.
Hiệp hội cũng mong thống nhất một Bộ quản lý nhà nước về giáo dục, từ mầm non, tiểu học, trung học, dạy nghề tới đại học và sau đại học, để không bị “mất tính hệ thống và có những điểm nghẽn trong liên thông.
Không nên quay lại mô hình cũ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, nếu đưa các trường cao đẳng về lại đại học quản lý thì đồng nghĩa các trường sẽ giao lại Bộ GD&ĐT thay vì Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội quản lý như hiện nay. Như vậy, chúng sẽ phải sửa đổi một loạt các luật, quy định liên quan đến vấn đề này. Trong khi đó, một số luật mới được ban hành chưa lâu như Luật Giáo dục đại học.
Trước đây, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa ra đời, hệ thống giáo dục tồn tại song song 2 mô hình: trường cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề. Hai mô hình trên thuộc 2 đơn vị chủ quản riêng. Cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT quản lý, cao đẳng nghề do Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội quản lý.
Năm 2014, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, đưa 2 mô hình cao đẳng này quy về một mối do Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội quản lý.
Từ đó đến nay, việc đào tạo liên thông bộc lộ bất cập, do sự phối hợp trong đào tạo nghề nghiệp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội chưa tốt khiến công tác phân luồng còn khó khăn. Qua đó, có thể thấy, khó khăn không nằm ở việc Bộ nào quản lý, tồn tại ở sự phối hợp chung.
Theo nữ đại biểu, muốn tháo gỡ khó khăn trên thì 2 Bộ cần ngồi với nhau để thống nhất, phối hợp nhuần nhuyễn hơn. "Không nên quay lại mô hình cũ, bởi những khó khăn bất cập cũ đã tháo gỡ rồi, giờ lại quay lại, sẽ rất rối rắm, tắc nghẽn cho các đơn vị", bà Nga nói và cho biết, sửa đổi luật là cả quá trình dài, trong khi đó từ khi Luật Giáo dục đại học ban hành đến nay, chưa bộc lộ những khó khăn đáng kể. Vì vậy, việc xem xét sửa đổi luật là chưa phù hợp, cần nhìn nhận khách quan, toàn diện để tháo gỡ phù hợp.
Bà Nga cho rằng nên để như mô hình hiện tại và nhận diện những khó khăn, hạn chế điểm nghẽn trong việc phối hợp mà 2 Bộ đang gặp phải. "Nên chăng đưa Tổng cục giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT để đảm bảo hệ thống, liên thông các trường đại học, cao đẳng", vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề xuất.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) nói, nếu giáo dục nghề nghiệp cùng thuộc Bộ GD&ĐT quản lý thì phân luồng sẽ dễ hơn, tuyển sinh cũng dễ mà quản lý nhà nước cũng thống nhất. Bằng cấp của người học cũng sẽ do Bộ GD&ĐT cấp. Do đó, chỉ nên chuyển Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT để thực hiện quản lý các trường cao đẳng trở xuống.
Cần giữ ổn định để người học yên tâm
Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, hiện các trường cao đẳng rất khó khăn tuyển sinh bởi đang nằm ngoài hệ thống phổ thông và đại học của Bộ GD&ĐT. Bộ này chỉ có trách nhiệm đưa thông tin tuyển sinh các trường đại học lên Cổng thông tin tuyển sinh, còn các trường cao đẳng nằm ngoài sự quản lý nên không được hỗ trợ, dẫn đến tình trạng thí sinh ít thông tin nắm bắt, khó tuyển sinh.
Từ khi luật có hiệu lực đến nay cũng chưa có đánh giá tổng thể từ Chính phủ về việc đưa hệ thống các trường cao đẳng nghề cho Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội quản lý đạt được kết quả, hạn chế thế nào. Vì vậy rất cần đánh giá lại việc sáp nhập và tách biệt này.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cần đưa ra số liệu khảo sát cụ thể, minh chứng cho đề xuất thêm thuyết phục. Chính phủ sẽ căn cứ vào đó để xem xét nên sát nhập hay không, ông Nghĩa nêu và cho rằng cần giữ ổn định hệ thống giáo dục nghề nghiệp và quản lý, tránh để người học xáo trộn.
Mặt khác, năm 2014 khi lấy tín nhiệm đưa Luật Giáo dục nghề nghiệp vào thực hiện, tỷ lệ đại biểu ủng hộ rất thấp, khoảng hơn 50%. Nhiều đại biểu khi ấy cho rằng Luật hiện còn nhiều hạn chế, không thống nhất trong liên thông từ phổ thông lên cao đẳng, đại học.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thẳng thắn bày tỏ nên để ổn định như hiện tại, không khôi phục nhiệm vụ đào tạo cao đẳng cho đại học. Nguyên nhân, chương trình cao đẳng đào tạo theo hướng kỹ năng là chủ yếu, trong khi đại học nhiều kiến thức hàn lâm hơn.
Trường cao đẳng nào không tuyển sinh được hoặc đào tạo kém chất lượng thì nên giải thể, chỉ giữ lại các trường tuyển sinh và đào tạo đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Việc cho các trường cao đẳng lựa chọn mô hình cao đẳng nghề hay chuyên nghiệp chính là quay lại sự bất cập cũ và lại càng rối cho người học.
Các chuyên gia cho rằng không nên đưa cao đẳng về lại đại học. |
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, việc giữ ổn định về hệ thống và quản lý nhà nước rất quan trọng để giúp người học an tâm. Cùng với đó, người học, người sử dụng lao động không quan tâm đến Bộ nào quản lý mà chất lượng đào tạo là trên hết, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hay không.
Không nên loay hoay đơn vị nào quản lý mà cần tập trung vào việc giải quyết vướng mắc về liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học. "Tất cả đều đang tốt, chỉ có phối hợp giữa 2 bộ là chưa tốt. Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội cần ngồi lại để thống nhất giải quyết vướng mắc này", ông Tuấn nêu quan điểm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin