Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2022 - 2023, cả nước có 1.234.124 giáo viên mầm non và phổ thông (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022).
Tuy nhiên, theo chỉ tiêu đặt ra thì cả nước còn thiếu 118.253 thầy cô đứng lớp, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022. Trong đó, cấp mầm non tăng 7.887 giáo viên, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207, cấp THPT tăng 2.045 người.
Hai nguyên nhân khiến tình trạng thiếu giáo viên ngày càng tăng: làn sóng giáo viên nghỉ việc vẫn tiếp dẫn và khó tuyển thêm người mới.
Hơn 9.000 giáo viên nghỉ việc
Năm học vừa qua, làn sóng giáo viên nghỉ việc ở các trường công lập vẫn có chiều hướng tiếp diễn. Trong 19.300 giáo viên nghỉ thì có tới 9.295 giáo viên nghỉ việc, còn lại 10.094 thầy cô nghỉ hưu theo chế độ.
Năm học 2021 - 2022, có 16.265 giáo viên nghỉ việc. Trong đó, riêng khối trường công lập có 10.407 giáo viên nghỉ.
Làn sóng giáo viên nghỉ việc vẫn tiếp tục, thêm 9.000 người bỏ ngành. (Ảnh minh hoạ) |
Tương tự như năm học trước, số giáo viên bỏ ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... Ở khu vực này, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.
Hầu hết lý do các giáo viên nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn. Một số ít địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như: Gia Lai, Sơn La… số giáo viên nghỉ việc do lương, trợ cấp còn thấp, trong khi khối lượng công việc nhiều do địa bàn dân cư thưa thớt, di chuyển đi dạy quá xa.
Mặt khác, một số ít trường, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đóng cửa dân đến tỷ lệ giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng.
Thiếu giáo viên trầm trọng
Trong báo cáo mới đây, Bộ GD&ĐT thẳng thắn thừa nhận tình trạng thiếu giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập trên cả nước tiếp tục gia tăng.
Vào tháng 9/2015, tổng số học sinh khi bắt đầu năm học mới là trên 19 triệu em, đến tháng 9/2022, con số này là hơn 23 triệu học sinh.
Trong khi đó, năm 2015 cả nước có 1.156.000 giáo viên, đến tháng 9/2022 là 1.227.000 giáo viên. Như vậy, sau 5 năm số giáo viên tăng hơn 100.000 người còn số học sinh tăng thêm 3 triệu em.
Hà Nội và Thanh Hoá là hai địa phương thiếu giáo viên cao nhất cả nước. |
Không chỉ thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, cơ cấu đội ngũ nhà giáo đang mất cấn đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
Ngoài nguyên nhân lượng giáo viên nghỉ việc lớn, thì số lượng trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên) là áp lực lớn ngành đang phải gánh.
Cùng với đó, cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).
Là một trong những địa phương có lượng giáo viên thiếu cao nhất cả nước, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có hơn 40.430 giáo viên biên chế, so với định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao còn thiếu hơn 10.250 giáo viên. Trong đó, giáo viên các môn học tự chọn ở bậc THCS và THPT thiếu nhiều nhất: Tin học thiếu 690 giáo viên, tiếng Anh 350, Mỹ thuật 280.
Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá cũng thừa nhận gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển mới giáo viên năm học qua, một trong những lý do dẫn đến việc này là các thầy cô trẻ không mặn mà làm việc tại địa phương. Lương thấp, khối lượng công việc nhiều, địa bàn dạy học khó khăn là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tuyển mới chưa cao.
Cùng với đó, việc phối hợp giữa Sở GD&ĐT, Nội vụ, Tài chính còn nhiều điểm nghẽn về mặt thủ tục, giấy tờ. Do vậy, nhiều trường thiếu giáo viên nhưng khó tuyển biên chế, đa phần "chữa cháy" bằng cách ký hợp đồng ngắn hạn 12 tháng cho thầy cô.
Đại diện Sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết, năm học trước Sở được giao tuyển hàng trăm chỉ tiêu nhưng không tuyển dụng được. Trong khi đó số lượng học sinh đến tuổi đi lớp tăng vọt do tình trạng di dân tự do.
Tỉnh Đắk Nông đang đối mặt với bài toán rất khó là không tuyển được giáo viên mới mà còn phải cắt giảm 10% chỉ tiêu hằng năm theo quy định của Chính phủ.
Tỉnh Đắk Lắk cũng rơi vào tình trạng tương tự, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk - cho biết, năm học 2023 - 2024, theo đề án tinh giản biên chế, sẽ có hơn 620 giáo viên phải nghỉ. Trong khi đó, chỉ tiêu bổ sung năm 2022 là 272 biên chế, so với số tinh giản chỉ bù được 40%. Đối chiếu theo yêu cầu và định mức đặt ra của Bộ GD&ĐT, tỉnh còn thiếu gần 1.200 giáo viên để đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin