Theo đó, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đối với các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ, Kỹ năng sống... từ ngày 05/02/2024 đến hết ngày 14/02/2024 (tức từ ngày 26 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết ngày mùng 05 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Như vậy, học sinh các cấp của Nghệ An được nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 10 ngày.
Tuy nhiên, với học sinh tiểu học và mầm non hoặc một số trường THCS không học thứ Bảy các em có thể được nghỉ từ thứ Sáu, trước 2 ngày so với lịch chính thức.
Ảnh: internet |
Sở cũng đề nghị các trường thông báo cụ thể lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh của trường; thực hiện nghiêm túc việc phân công trực và bảo vệ cơ quan, trường học trong dịp nghỉ Tết.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương để có các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất, trang thiết bị và công tác phòng, chống cháy nổ cho cơ quan, đơn vị.
Trong dịp đón Xuân, các nhà trường tích cực hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, theo chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An về việc tổ chức Tết trồng cây Xuân Giáp Thìn 2024. Việc tổ chức “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Không trồng ồ ạt lấy phong trào gây lãng phí, tốn kém, đảm bảo theo đúng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.
Trong thời gian trước, trong, sau dịp Tết, nhà trường phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quản lý, giáo dục, tổ chức cho học sinh vui Xuân lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh. Giữ gìn trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; không tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép…;
Trong đó, tập trung phổ biến, quán triệt và yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh thực hiện nghiêm Nghị định 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nổ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tình trạng buôn bán, chế tạo, sử dụng pháo nổ,… trong giáo viên và học sinh.
Nghiêm cấm việc mua bán, tàng trữ, chế tạo pháo nổ (mua nguyên vật liệu trên mạng rồi tự ý chế tạo pháo), sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo nổ trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, các nhà trường cần chủ động các giải pháp ngăn chặn không để học sinh bỏ học sau Tết. Tăng cường các giải pháp huy động học sinh đến trường, duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Rà soát các đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại để có biện pháp phù hợp với từng học sinh. Đối với học sinh nghèo, khó khăn, cần huy động các nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời các em trong dịp Tết; không được để cho học sinh phải bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.
Trước Tết Nguyên đán, căn cứ vào điều kiện thực tế, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực tổ chức động viên, tặng quà Tết học sinh thuộc gia đình chính sách, học sinh mồ côi, không nơi nương tựa. Thăm hỏi cán bộ, giáo viên, nhân viên hưu trí có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, chia sẻ với cán bộ, giáo viên và học sinh có người thân đang làm nhiệm vụ tại các vùng biển, đảo, biên giới của Tổ quốc có điều kiện vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin