Trả lời báo chí ngày 10/3, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho hay trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến không mong muốn cần đảm bảo an toàn, tính mạng cho giáo viên và học sinh.
Năm học nếu cần kéo dài thêm sẽ phải tính sao cho đảm bảo mốc thời gian, quỹ thời gian, chương trình học cần thiết để xây dựng kế hoạch năm học.
"Trong tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài, thời điểm năm học mới theo truyền thống sẽ bắt đầu ngày 5/9. Như vậy, các trường có quỹ thời gian từ nay đến thời điểm đó để điều chỉnh năm học cũng như thi THPT quốc gia", ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT phải tính toán cụ thể, dựa trên căn cứ tình hình thực tế để cân đối kế hoạch, đảm bảo nhà trường dạy học hết chương trình năm 2019-2020 và chuẩn bị cho năm học tới ít chịu ảnh hưởng nhất.
Như vậy, với học sinh lớp 12, nếu cần thiết, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh để học sinh có đủ thời gian hoàn thành chương trình, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển vào các trường đại học.
Kỳ thi lớp 10 được giao quyền cho địa phương. Vì vậy, ngay từ giờ các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng các khâu theo dõi sát tình hình thực tế để sau khi kết thúc năm học sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh, đảm bảo thời gian đủ chương trình.
Hiện tại, khung thời gian năm học Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh là kết thúc trước ngày 30/6. Thời gian nghỉ của học sinh vẫn đang trong khung được thực hiện. Nếu tình hình dịch bệnh khả quan, ngày 16/3 học sinh bắt đầu đi học nâng tổng thời gian nghỉ của học sinh lên 6 tuần, trong đó 4 tuần được kéo dài và 2 tuần là thời gian dự phòng.
Nếu học sinh phải nghỉ thêm, khung thời gian kết thúc năm học cũng sẽ lùi tương ứng.
PGS Nguyễn Xuân Thành đánh giá việc học online trên truyền hình hiện nay cần được nhà trường duy trì kết nối này với học sinh để rèn luyện và vận dụng kiến thức.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin