Người làm nội dung YouTube đang "câu view" bất chấp
Tại đám tang một nghệ sĩ nổi tiếng vừa qua, xuất hiện đám đông tay cầm điện thoại, máy ảnh, một số sử dụng kèm gimbal (thiết bị chống rung), sẵn sàng chĩa ống kính thẳng vào những người đến viếng, miễn là họ nổi tiếng. "Các bạn muốn quay gì, hãy để comment phía dưới", "Hãy subscribe kênh và chia sẻ để xem thêm video mới nhé"... là những lời kêu gọi trong video của các "chủ kênh". Các nghệ sĩ cũng chẳng lấy làm vui vẻ gì trước những người này khi phải trả lời các câu hỏi không liên quan đến người quá cố, hay phải chụp hình chung.
Những nội dung phản cảm gần đây xuất hiện tràn lan trên YouTube, như "thử thách học lại mẫu giáo", "thử thách một ngày làm chó, làm heo", "thử thách ăn phân", "ăn động vật đã chết vài ngày"... Nhiều video cổ xúy cho những nội dung bạo lực, đánh đấm kiểu giang hồ, tự làm nhục bản thân, ăn thịt động vật quý. Thậm chí, có những kênh còn cố tình hớ hênh, ăn mặc khiêu gợi ngồi làm việc để "câu view".Trước đó, với danh nghĩa ủng hộ một YouTuber "bóc phốt" khách sạn làm ăn gian dối, một streamer đã lên YouTube chỉ để nói tên người này trong hơn 10 tiếng. Sau đó, anh tiếp tục gây chú ý khi dành ra hơn 10 tiếng nữa để nói mỗi từ "No Burger King" với hàm ý "tẩy chay" nhãn hiệu này vì video quảng cáo ăn burger bằng đũa kiểu Việt Nam không phù hợp.
Tuy nhiên, những nội dung này lại thu hút một lượng rất lớn người xem và bình luận, thậm chí còn xuất hiện trong "Top video thịnh hành". Trong khi đó, các nội dung bổ ích, lành mạnh lại nhận khá ít lượt quan tâm.
"Không hiểu sao người ta lại có thể nói một từ trong suốt hàng giờ đồng hồ hay tự hạ nhục bản thân bằng cách bắt chước động vật. Chẳng nhẽ ý tưởng của họ tồi tệ đến mức đó", tài khoản YouTube có tên Khoa Nguyễn bình luận. "Nhớ cách đây vài năm, thế hệ người làm YouTube như Toàn Shinoda, JVevermind, Huyme có tâm và nội dung của họ cũng rất tốt, còn bây giờ thì mọi thứ trở nên bất chấp. Họ dùng bất kể thủ đoạn nào, kể cả việc giẫm đạp lên truyền thống văn hóa chỉ để được nhiều lượt xem", tài khoản Facebook Lê Duyệt bức xúc. "Sẽ như thế nào nếu nội dung độc hại này tiếp cận trẻ em, thế hệ trẻ và gây ảnh hưởng xấu. Tôi nghĩ YouTube cần có cơ chế để loại vĩnh viễn những loại clip này", tài khoản Nguyễn Vy nhận xét.
Duy Vũ, một YouTuber tại TP HCM cho biết, cơ chế tính tiền bằng lượt xem trên nền tảng Google chính là nguyên nhân khiến người làm nội dung "câu view" bừa bãi. "Tại Việt Nam, mỗi 1.000 lượt xem hoặc click quảng cáo thường được trả từ 0,35 đến 4 USD (8.000 – 90.000 đồng). Khi càng nhiều lượt xem càng được trả tiền cao, nhiều người đã không ngại làm những thứ đi ngược lại với lợi ích, với truyền thống văn hoá, miễn là gây được chú ý", anh Vũ chia sẻ.
Là website chia sẻ video lớn nhất thế giới, YouTube giờ đây không còn dừng lại ở chức năng giải trí, học tập hay truyền thông. Khoảng 10 năm trở lại đây, nó đã trở thành công cụ kiếm tiền của một bộ phận giới trẻ nắm bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ số.
Có 2 dạng video có thể kiếm tiền trên YouTube: tự sản xuất hoặc đăng lại nội dung cũ. Việc tự sản xuất được ưu tiên hơn do không dính đến vấn đề bản quyền, cũng như lượt xem cao hơn. Chúng chủ yếu gồm Vlog (tự quay clip chia sẻ những quan điểm cá nhân về các vấn đề nóng hoặc gần gũi với đời sống), Review video (làm video đánh giá về các sản phẩm, dịch vụ có nhiều người quan tâm trên thị trường), Tutorials Video (hướng dẫn thủ thuật) và Ghi lại tất cả những xung quanh.
Trong số đó, việc ghi lại tất cả những thứ xung quanh được YouTuber Việt làm nhiều nhất. "Đơn giản bởi nó dễ làm và cũng không cần 'động não' nhiều. Chỉ cần gây sốc về vấn đề nào đó hoặc quay lại khung cảnh của một sự kiện đang được dư luận chú ý, video của bạn lập tức có lượt xem và được tiền quảng cáo", anh Vũ tiết lộ.
Nguyễn Quân, một người làm trong lĩnh vực marketing online, cho biết, tình trạng làm video giật gân, sai sự thật tại Việt Nam không phải là hiếm, thường gặp ở các vlog cá nhân. "Nhiều bạn trẻ đã chấp nhận dẹp bỏ tất cả, từ danh dự, nhân phẩm đến sức khỏe của bản thân chỉ để được trở nên nổi tiếng", anh Quân chia sẻ. "Theo tôi, nếu không thực sự sáng tạo bằng chính chất xám của mình để cạnh tranh lành mạnh, lại đi sử dụng chiêu trò thì sớm muộn kênh đó cũng bị tẩy chay".
Gần đây, Google cũng khá mạnh tay trong việc "xoá sổ" các kênh Youtube có nội dung không lành mạnh. Đại diện Google cho biết: "Gần đây, chúng tôi đối mặt với các hành vi tiêu cực của một số YouTuber làm tổn hại đến danh tiếng chung của cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trong mắt các nhà quảng cáo, ngành công nghiệp truyền thông và quan trọng nhất là công chúng. Đối với những hành vi này, chúng tôi cam kết thắt chặt các chính sách của YouTube và sẽ thông tin một cách nhanh chóng và minh bạch hơn".