Từ trước đến nay, CEO Tim Cook luôn khẳng định Apple sẽ tuân theo theo luật của quốc gia sở tại nếu xảy ra bất cứ vấn đề hay tranh chấp nào. Do đó, trước sức ép của Liên minh châu Âu, Táo khuyết đã tuyên bố bổ sung tính năng cho phép người dùng cài kho ứng dụng bên thứ 3, ví điện tử truy cập vào kết nối NFC trên iOS 17 và thay thế cổng Lightning truyền thống sang USB-C trên iPhone từ năm 2024.
Nhưng những thay đổi này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến Apple, thậm chí còn giúp hãng giải quyết những vấn đề tồn đọng bấy lâu, CNBC nhận định.
EU ra rất nhiều quy định mới, tạo áp lực để phá vỡ thế độc quyền của Apple. (Ảnh: Reuters) |
Apple thiệt hại không đáng kể
Tính năng "mở cửa" cho tải ứng dụng từ bên ngoài App Store sẽ giải quyết những phàn nàn của người dùng suốt bao năm qua và cho phép những ứng dụng bên thứ 3 có cơ hội cạnh tranh với app mặc định của Apple.
Đổi sang cổng USB-C cũng đồng nghĩa với việc người dùng chỉ cần mang theo một loại sạc để dùng chung cho cả điện thoại và laptop. Bên cạnh đó, Apple sẽ giải quyết được những tranh cãi liên quan đến độc quyền và mức thuế 30% khi mua hàng trong ứng dụng.
Kể từ 2024, Apple sẽ chính thức nói lời tạm biệt với chuẩn Lightning. Ảnh: Wired. |
Theo Bloomberg, những thay đổi này trước tiên sẽ chỉ áp dụng ở châu Âu. Lượng người dùng ở thị trường này không nhiều. Trong khoản doanh thu 85 tỷ USD từ App Store, người dùng EU chỉ chiếm khoảng 6 tỷ USD.
Vì thế, dù ở trong tình huống xấu nhất, mảng kinh doanh dịch vụ của Apple cũng chỉ thiệt hại 4%, còn tổng doanh thu chỉ bị ảnh hưởng 1%, Morgan Stanley ước tính.
Theo CNBC, ngay cả khi quy định của EU phá vỡ thế độc quyền phân phối ứng dụng của Apple trên App Store, hãng công nghệ vẫn có thể tìm ra cách để thu phí từ app bên ngoài.
Trong cuộc chiến với hãng Epc Games năm 2021, đại diện Apple khẳng định rằng thuế App Store còn được dùng để trả tiền bản quyền sở hữu trí tuệ các công cụ mà lập trình viên sử dụng chứ không chỉ là vấn đề phân phối. Ngay cả những ứng dụng xuất hiện trên website cũng phải sử dụng giao diện lập trình của Apple.
Chiêu trò của Apple
Táo khuyết luôn khẳng định rằng App Store giúp nâng cao bảo mật khách hàng vì những ứng dụng chưa qua kiểm duyệt có thể đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tài khoản thanh toán của họ.
Vì thế, nếu muốn mở cửa cho các app hay kho ứng dụng bên thứ 3 vào iPhone, các lập trình viên phải đáp ứng một số yêu cầu khắt khe của họ. Tập đoàn sẽ lấy lý do bảo mật để buộc các nhà phát triển đăng ký giao diện lập trình riêng nếu muốn phân phối app bên ngoài App Store. Họ cũng có thể yêu cầu các nhà làm ứng dụng hiển thị thông báo nếu không phải là app trên App Store.
Đơn cử như ở Hàn Quốc, năm 2021, quốc gia này đã yêu cầu cho phép người sử dụng hệ thống thanh toán của bên thứ ba thay vì ứng dụng mặc định. Nhưng Táo khuyết vẫn tìm được cách để thu tiền người dùng. Họ buộc các nhà phát triển phải hiện thông báo “Ứng dụng này không sử dụng hệ thống thanh toán an toàn và bảo mật của App Store” mỗi khi người dùng sử dụng.
Tập đoàn công nghệ còn lách luật bằng cách thu phí 26% đối với các thanh toán được thực hiện thông qua hệ thống của bên thứ 3. Để làm được điều này, Apple yêu cầu các nhà phát triển báo cáo tất cả doanh số bán hàng của họ vào mỗi tháng và trích một phần hoa hồng từ danh sách này.
Theo CNBC, Apple vẫn là kẻ nắm đằng chuôi vì họ kiểm soát App Store để phân phối ứng dụng. Các nhà phát triển phải nằm ở thế bị động và đồng ý với mọi điều khoản để được xuất hiện trên iOS.
Vì thế, nếu Táo khuyết dùng chiêu trò tương tự ở châu Âu, người dùng ở khu vực này sẽ tin rằng App Store là cách tốt nhất và an toàn nhất để tải ứng dụng cho iPhone. Trong khi đó, các nhà phát triển cũng đành lựa chọn App store vì phân phối ứng dụng bên ngoài quá phiền phức.
Không chỉ vậy, đội ngũ luật sư của Apple còn rất am hiểu cách rút cạn sức lực của các đối thủ trong cuộc chiến thách thức mô hình kinh doanh của App Store, nhà phân tích Erik Woodring của Morgan Stanley nhận định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin