Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chính sách kinh tế mới có hiệu lực trong tháng 12/2018

08:12, 03/12/2018

Nhiều chính sách kinh tế mới sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2018, trong đó có việc ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất 27 loại phế liệu.

 

Vay vốn trồng cây lâu năm được thỏa thuận ân hạn nợ gốc

Tại Thông tư 25/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trường hợp khách hàng vay để trồng, chăm sóc, tái canh cây lâu năm, khách hàng và tổ chức tín dụng được thỏa thuận thời gian ân hạn nợ gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm.

Theo đó, thời gian ân hạn là khoảng thời gian tính từ khi tổ chức tín dụng bắt đầu giải ngân vốn vay đến khi khách hàng bắt đầu trả nợ gốc và lãi được thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Thông tư này được ban hành 24/10/2018, có hiệu lực từ ngày 10/12/2018.

27 loại phế liệu tạm ngừng tạm nhập

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 41/2018/TT-BCT ngày 6/11/2018 về Danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu. Theo đó, 27 loại phế liệu tạm ngừng tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu.

t
Từ ngày 20/12/2018 đến ngày 31/12/2019, 27 loại phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu.

Danh mục này bao gồm 27 loại phế liệu, trong đó có: Thạch cao; Xỉ hạt từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi; Tơ tằm phế liệu; Lông cừu hoặc lông động vật loại mịn hoặc thô tái chế; Phế liệu bông; Thủy tinh vụn và thủy tinh phế liệu và mảnh vụn khác…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/12/2018 đến ngày 31/12/2019, những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày 20/12/2018 được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu.

3 trường hợp phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại cơ sở sản xuất

Từ ngày 14/12/2018, việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu tại cơ sở sản xuất được thực hiện theo Thông tư 39/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương trong các trường hợp sau:

- Cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu đề nghị kiểm tra, xác minh tại cơ sở sản xuất khi kết quả kiểm tra hồ sơ, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa chưa đủ căn cứ để xác định xuất xứ hàng hóa hoặc khi có lý do nghi ngờ gian lận xuất xứ hàng hóa;

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong nước tiến hành kiểm tra, xác minh, quản lý rủi ro và chống gian lận xuất xứ hàng hóa;

- Cơ quan chức năng khác trong nước đề nghị phối hợp khi có lý do nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng hóa.

Thông tư này được ban hành ngày 30/10/2018.

Mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập

Từ ngày 1/12/2018, mức giá cước tối đa dịch vụ bưu chính phổ cập được áp dụng theo Thông tư 12/2018/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, mức giá cước tối đa dịch vụ thư cơ bản (gồm cả bưu thiếp) trong nước cho lần lượt các nấc khối lượng đến 20g; trên 20g đến 100g; trên 100g đến 250g là 4.000 đồng; 6.000 đồng; 8.000 đồng. Mỗi 250g tiếp theo đến 2000g là 2.000 đồng.

Mức giá cước tối đa cho dịch vụ thư cơ bản từ Việt Nam đi các nước dao động từ 15.000 đồng - 23.000 đồng ở nấc khối lượng 20g tùy thuộc vào quốc gia và vùng lãnh thổ… Thông tư này được ban hành ngày 15/10/2018./.

Theo VOV