Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Lớp học chăn nuôi đặc biệt của đồng bào Thái

07:29, 04/12/2018

Thời điểm này, Trạm khuyến nông đang tổ chức dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn cho bà con dân tộc thiểu số 2 bản Vĩnh Kim và Yên Hòa xã Hoa Sơn huyện Anh Sơn. Điều khác biệt của lớp học này là tham gia lớp học, mỗi học viên đều được hỗ trợ mua một đàn gà để thầy giáo đến từng nhà hướng dẫn cụ thể từng giai đoạn chăm sóc gà.

 

Them gia lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn ở bản Yên Hòa xã Hoa Sơn do trạm kuyến nông huyện Anh Sơn tổ chức, các học viên là chị em phụ nữ dân tộc Thái thảo luận rất sôi nổi, hào hứng.

"Đây là lần đầu tiên chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở 2 bản Yên Hòa và Vĩnh Kim xã Hoa Sơn được cầm tay chỉ việc tận tình như vậy" - chị Lang Thị Gấm bản Yên Hòa chia sẻ.

Ngay từ ngày đầu vào học, gia đình chị Gấm và tất cả các học viên đều được hỗ trợ tiền mua con giống mỗi hộ từ 100- 150 con. Từ đó, được giáo viên về tận nhà hướng dẫn cụ thể từ phương pháp làm chuồng trại, kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh thái, chế biến tổ hợp khẩu phần ăn cho từng giai đoạn phát triển của gà, cách vệ sinh phòng trị bệnh, nên rất hiệu quả.

Đây là lần đầu tiên chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở 2 bản Yên Hòa và Vĩnh Kim xã Hoa Sơn được dạy nghề nên chị em rất hào hứng
Đây là lần đầu tiên chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở 2 bản Yên Hòa và Vĩnh Kim xã Hoa Sơn được dạy nghề nên chị em rất hào hứng

Với gia đình chị Hà Thị Thủy bản Vĩnh Kim xã Hoa Sơn, những năm trước đây, thường nuôi gà theo phương pháp truyền thống, không nắm được các quy trình kỹ thuật, cách chọn giống, cách sử dụng thuốc thú y nên chi phí sản xuất cao, năng suất thấp lại gây ô nhiệm môi trường. Sau khi tham gia lớp chăn nuôi gà do trạm khuyến nông huyện Anh Sơn tổ chức, được thầy giáo về tận nhà hướng dẫn từng bước, chị Thủy đã tự chủ động được kỹ thuật và phương pháp phòng trị bệnh cho đàn gà, phát hiện được các biểu hiện bệnh thường xuất hiện ở gà và cách sử dụng thuốc, tiêm đúng liều, đúng cách. Sau 3  tháng chăm sóc, đàn gà của gia đình chị đã đến giai đoạn xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 1,5-2kg.

Sau khi tham gia lớp chăn nuôi gà do trạm khuyến nông huyện Anh Sơn tổ chức, chị Hà Thị Thủy đã áp dụng nuôi rất hiệu quả
Sau khi tham gia lớp chăn nuôi gà do trạm khuyến nông huyện Anh Sơn tổ chức, chị Hà Thị Thủy đã áp dụng nuôi rất hiệu quả.

"Để gắn công tác đào tạo với giải quyết việc làm một cách bền vững, trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của bà con nông dân, trạm khuyến nông huyện Anh Sơn đã xây dựng kế hoạch dạy nghề sát với thực tiễn từng địa phương" - ông Trịnh Xuân Quý, trưởng trạm khuyến nông huyện Anh Sơn cho biết.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, thời gian qua, trạm khuyến nông huyện Anh Sơn đã mở nhiều lớp dạy nghề cho nông dân như làm phân vi sinh, chăn nuôi gà Vietgap. Năm 2018 này Trạm đã mở lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn cho 35 bà con dân tộc thiểu số 2 bản Vĩnh Kim và Yên Hòa xã Hoa Sơn, tham gia lớp học mỗi chị em được hỗ trợ 30.000 đồng/ngày cho chi phí ăn uống, sinh hoạt, với tổng số tiền 1,2 triệu đồng trong 3 tháng học.

Sau 3 tháng chăm sóc, đàn gà đã đến giai đoạn xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 1,5-2kg.
Sau 3 tháng chăm sóc, đàn gà đã đến giai đoạn xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 1,5-2kg.

Điều khác biệt ở lớp học này là Trạm khuyến nông huyện Anh Sơn mở ngay tại vườn các học viên. Theo đó, trước khi tham gia học ngoài số tiền được hỗ trợ theo quy định, các học viên còn được trạm khuyến nông hỗ trợ thêm một phần để mua con giống. 

Trong quá trình học, giáo viên truyền đạt theo phương thức cầm tay chỉ việc, tạo điều kiện để bà con tất cả đều được mắt thấy tai nghe, tay được làm thử
Trong quá trình học, giáo viên truyền đạt theo phương thức cầm tay chỉ việc, tạo điều kiện để bà con tất cả đều được mắt thấy tai nghe, tay được làm thử

Trong quá trình học, giáo viên truyền đạt theo phương thức cầm tay chỉ việc, tạo điều kiện để bà con tất cả đều được mắt thấy tai nghe, tay được làm thử, vừa áp dụng lý thuyết vừa  thực hành ngay tại đàn gà của gia đình mình nên hiệu quả mang lại rất cao, hầu hết các học viên đều giữ được 100% tổng đàn, gà phát triển nhanh, hiện tại sau 3 tháng lớp học có trên 4.000 con gà đang chuẩn bị xuất chuồng.

Từ sau khóa học, đã có rất nhiều hộ mở rộng quy mô chăn nuôi lên 300- 500 con gà
Từ sau khóa học, đã có rất nhiều hộ mở rộng quy mô chăn nuôi lên 300- 500 con gà

Với phương thức “cầm tay chỉ việc”, có thể thấy rằng thông qua lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn đa số các chị em phụ nữ ở hai bản Yên Hòa và Vĩnh Kim xã Hoa Sơn đã biết áp dụng kiến thức vào lao động sản xuất, có kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngay vào mô hình sản xuất của gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Được biết, trước khi tham gia lớp dạy nghê, các hộ chỉ nuôi từ 50- 70 con gà. Ngay sau khóa học, đã có rất nhiều hộ mở rộng quy mô chăn nuôi lên 300- 500 con gà, từ đó từng bước nâng cao đời sống xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

Thái Hiền