Nông dân Yên Thành gieo mạ khay và cấy máy tiết kiệm chi phí đầu tư
Theo lịch thời vụ đối với các xã vùng sâu, thời điểm này gia đình ông Nguyễn Tiến Lực cũng như bà con nông dân xã Thọ Thành bắt đầu xuống đồng gieo cấy vụ Xuân 2019. Những năm trước, trên diện tích hơn 5 sào đất, gia đình ông phải thuê cấy 4 đến 5 ngày và tiền thuê cấy cũng mất 1 triệu rưỡi. Năm nay có HTX nông nghiệp xã làm dịch vụ gieo mạ khay và cấy máy, ông đã đăng ký trọn gói để thuận tiện trong sản xuất.
"Bắc mạ khay có rất nhiều thuận lợi, không lo chuột phá hoại; đặc biệt khi cấy xuống chan ruộng rất đều, cây lúa quang hợp và phát triển rất nhanh" - ông Lực cho biết.
Từ trước đến nay, sản xuất lúa của bà con nông dân xã Thọ Thành nói riêng, huyện Yên Thành nói riêng chủ yếu làm theo phương pháp truyền thống. Để từng bước quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đạt năng suất chất lượng cao, 3 năm nay HTX DV NN Thọ Thành đã áp dụng phương pháp gieo mạ khay và cấy bằng máy. Theo đánh giá, cây mạ khay sinh trưởng khỏe hơn so với mạ thường; khắc phục được những hạn chế khi phải làm mạ ngoài trời và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, kiểm soát được sâu bệnh hại.
"Đặc biệt khi cấy, mạ khay tránh tránh được hiện tượng đứt rễ, giúp cây lúa có khả năng bén rễ hồi xanh nhanh hơn. So với phương pháp truyền thống, với mô hình gieo mạ bằng khay, mỗi sào giảm được 1/2 lượng giống. Dùng mạ khay để cấy bằng máy cơ giới, mỗi sào chỉ mất thời gian 30 phút, so với cấy bằng tay truyền thống người dân đã tiết kiệm được 120 ngàn đồng/sào" - ông Nguyễn Văn Duyên – PGĐ HTX DV NN Thọ Thành, Yên Thành cho biết thêm.
Có thể khẳng định, đưa cơ giới vào đồng ruộng từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch là một chuỗi khép kín liên hoàn, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân. Từ mô hình này, huyện Yên Thành đang nhân rộng ở nhiều xã trên địa bàn để bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ đưa CNH-HĐH vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn.
Đài Yên Thành