Nam Đàn: Xây dựng thành công mô hình gà ác theo tiêu chuẩn VietGap
Nhờ đáp ứng đầy đủ điều kiện về diện tích chuồng trại và kiến thức để tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, gia đình chị Nguyễn Thị Mến xóm 8, xã Nam Nghĩa, Nam Đàn đã được chọn thực hiện mô hình chăn nuôi gà ác VietGap liên kết theo chuỗi giá trị. Mô hình được thực hiện với 2.000 con gà ác thuần chủng từ 1 đến 120 ngày tuổi. Cùng với tham gia các lớp tập huấn bài bản, chuyên sâu, tham quan học tập mô hình, với bản tính cần cù, chịu khó, nhanh nhạy, gia đình chị đã thực hiện đúng quy trình, đạt tỷ lệ sống cao.
Theo chị Mến, cách nuôi truyền thống gà hay mắc bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp, nhất là mùi hôi thối từ chất thải của gà; thực hiện mô hình nuôi gà ác thịt theo hướng an toàn sinh học thì các bệnh về đường hô hấp giảm hẳn, gà tăng trọng nhanh, đồng đều cao, môi trường nuôi không còn mùi hôi thối.
“Gà ác nuôi, công chăm sóc phải tốt hơn, điều kiện môi trường, chuồng trại khác hơn so với gà thường, thức ăn đảm bảo hơn, thức ăn độ đạm cao, thức ăn kiểm định thì chất lượng tốt hơn, nước uống được kiểm định, phả thay hàng ngày , nước bẩn sẽ dễ bệnh, dễ đi ngoài, Hiệu quả kinh tế nuôi đảm bảo hơn, năng suất cao hơn, giá cả đắt hơn 4 giá”- chị Mến cho biết.
Mô hình chăn nuôi gà ác VietGap liên kết theo chuỗi giá trị được Phòng Nông Nghiệp và PTNT phối hợp với Trạm thú huyện triển khai thực hiện từ cuối tháng 12/2018. Tham gia mô hình, gia đình chị Nguyễn Thị Mến được hỗ trợ 100% con giống, 30% kinh phí thức ăn và vật tư đi kèm. Toàn bộ kinh phí được trích từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
'Đến nay sau hơn 3 tháng, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt. Qua đó, giảm tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh, đàn gà tăng trọng nhanh, tỷ lệ nuôi sống đạt cao, trên 97%. Theo tính toán, 3,5 tháng gà sẽ được xuất chuồng, bình quân mỗi con gà đạt trọng lượng từ 1,5Kg/con trở lên, đặc biệt, đối với gà trống sẽ đạt bình quân gần 2kg, với giá bán 120 ngàn đồng/1kg, thu lãi trên 50 triệu đồng/lứa gà 2.000 con giống.
“Qua kết quả đánh giá, mô hình chăn nuôi này giá cả bán cao hơn giá gà thường, với giá thu mua tại nhà 120.000 đồng/kg, đầu ra được bao tiêu, sản phẩm được thu mua toàn bộ, người chăn nuôi không lo đầu ra. Bên cạnh đó, có rất nhiều khách hàng đặt mua khi biết gia đình nuôi mô hình gà ác này. Thông qua mô hình của chị Mến, các gia đình trên địa bàn xã đã tham quan và đang muốn nhân rộng trong thời gian tới" - ông Nguyễn Hữu Quốc, Trưởng trạm thú y huyện Nam Đàn đánh giá về mô hình.
"Đây là mô hình nuôi gà ác thịt được chuyển giao đầu tiên tại Nam Đàn. Với mục đích giúp người dân đa dạng vật nuôi và đưa giống gà đặc sản vào trong chăn nuôi. Mô hình được triển khai nhằm mục tiêu giúp bà con nông dân tiếp cận với tiến bộ KHKT mới trong chăn nuôi gà ác thịt theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tối đa dịch bệnh, rút ngắn thời gian nuôi, nhằm tạo ra sản phẩm đặc sản có tính cạnh tranh cao, làm phong phú các sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho nông dân trên địa bàn" - bà Nguyễn Thị Thiệp, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Nam Đàn cho biết.
Với những chỉ tiêu và kết quả đạt được sau khi thực hiện mô hình, giống gà ác thịt được nghiệm thu đánh giá cao về khả năng sinh trưởng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Nam Đàn, chất lượng thịt thơm ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Nam Đàn sẽ nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện.
Thúy Tình