Anh Cao Văn Cường ở xóm Đồng Tâm xã Nghĩa Hoàn năm nay mới 35 tuổi nhưng anh đã là ông chủ trẻ của trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng có quy mô hơn 5.000 con, lớn nhất của huyện Tân Kỳ. Không ngại khó, ngại khổ, anh Cường đã mạnh dạn thầu 3.500 m2 đất tại cánh đồng xóm Đồng Tâm để xây dựng trại nuôi gà đẻ trứng. Vừa học vừa làm, siêng tìm tòi, học hỏi, nhờ cán bộ thú y tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh nên đến nay anh đã áp dụng thành công.
Thời điểm này trung bình mỗi ngày gia đình xuất bán ra thị trường trên 2.000 quả trứng. Với giá bán mỗi quả 3.000 đồng thì đem lại nguồn thu mỗi ngày 6 triệu đồng. Trong chăn nuôi, anh Cường đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.
"Trong chăn nuôi gia đình rất chú trọng đến các quy trình thứ nhất là chọn con giống đảm bảo, thứ hai là môi trường sống luôn sạch sẽ, gia đình sử dụng đệm lót sinh học để trử mùi, hạn chế dịch bệnh, thứ 3 nữa là chế độ phòng dịch đúng liều lượng quy định, thức ăn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng giúp con gà phát triển toàn diện, sinh sản tốt” - anh Cường chia sẻ.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trong chăn nuôi nên sản phẩm trứng gà của gia đình anh Cường là một trong 2 sản phẩm của huyện Tân Kỳ được đánh giá phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện và cấp tỉnh năm 2019.
“Để thành công như hôm nay thì Cấp ủy chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho anh Cường được thuê đất rộng, tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình nông thôn mới và tập huấn khoa học kỹ thuật” - ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn huyện Tân Kỳ cho biết.
Cùng với sản phẩm trứng gà là sản phẩm cam Vinh tại xã Tân Phú huyện Tân Kỳ được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trên diện tích 30 ha chủ yếu trồng giống cam xã đoài với ưu điểm ít hạt, ngọt đậm, dễ bóc tách, mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng. Bình quân mỗi ha cam cho giá trị kinh tế 300 triệu đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở xóm Tân Xuân xã Tân Phú huyện Tân Kỳ trồng hơn 1 ha cam từ 4 đến 5 năm tuổi, hiện nay đang thời kỳ chính vụ thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Để cam đảm bảo đạt tiêu chuẩn OCOP, gia đình chị đã sử dụng các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo an toàn.
"Trong chăm sóc cam gia đình toàn sử dụng phân bón hữu cơ sinh học do gia đình làm, phòng trừ sâu bệnh không phun thuốc mà ủ các loại như tỏi, ớt cay, cá sau đó ủ rồi phun thường xuyên, gia đình vui mừng là cam đạt tiêu chuẩn OCOP nên dễ xuất bán và bán được cao giá hơn" - chị Hà cho biết thêm.
“ Đối với 2 sản phẩm được công nhận 3 sao cấp tỉnh của huyện Tân Kỳ hiện nay đang cung ứng cho bà con. Sản phẩm trứng gà đáp ứng được yêu cầu cung ứng cho bà con vào dịp tết còn đối với sản phẩm cam chỉ còn 10 ha đang cho thu hái nên chỉ đáp ứng được 1 phần nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn" - ông Nguyễn Công Trung- Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tân Kỳ trao đổi.
Giờ đây cam Vinh tại xã Tân Phú, trứng gà tại xã Nghĩa Hoàn của huyện Tân Kỳ đã được cộng nhận đạt OCOP với tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương khẳng định được thương hiệu, các hộ sản xuất an tâm khâu tiêu thụ sản phẩm, có nguồn thu nhập ổn định, đón tết nguyên đán Canh Tý 2020 thêm đủ đầy, vui tươi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin