Kinh tế

Nông dân Nghĩa Đàn lãi 200 triệu đồng/ha từ trồng bí vụ xuân sớm

15:06, 25/02/2020
Theo tính toán của nông dân Nghĩa Đàn, với mỗi hecta trồng bí vụ xuân sớm, bà con đầu tư chi phí hết gần 100 triệu đồng, nhưng có thể thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng/ha.
 
 Trồng bí xanh không khó, tuy nhiên mất khá nhiều thời gian chăm sóc như tưới nước, dựng giàn, tỉa nhánh, chăm bón..

Đã nhiều năm có kinh nghiệm trồng bí, năm nào vụ xuân gia đình anh Lê Khắc Từ ở làng Nhâm xã Nghĩa Yên cũng xuống giống sớm hơn nửa tháng. Theo anh Từ cho biết: Vụ xuân là vụ chính trồng bí, nếu trồng đúng lịch thì nhà nào cũng trồng được, giá bán không cao. Vì vậy, năm nào gia đình cũng làm sớm hơn, để bán trước tăng thêm thu nhập. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nên cây bí sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao. Trà đầu tiên đã hái được 6 tạ, với giá bán 15 ngàn đồng/kg, tăng gấp 3 so với giá bí bán chính vụ.

 
 Anh Từ chăm sóc vườn bí của gia đình.

“Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây bí phát triển tốt, quả nhiều, giá bán được từ 12-15 ngàn đồng, dân chúng tôi phấn khởi lắm, nếu bí giữ được 8 ngàn đồng/kg là đã thắng rồi" - anh Từ  vui mừng chia sẻ.
Còn theo chị Lê Thị Minh, năm nay được mùa bí xanh ra nhiều quả, có lẽ vì hợp thời tiết, thổ nhưỡng nên cây bí xanh phát triển rất tốt, lại được thu hoạch sớm nên giá thành khá cao. Nhờ trồng bí, mấy năm nay, kinh tế gia đình  khấm khá hơn, mua được cặp bò, nuôi con ăn học.

 
Năm nay, được mùa bí xanh ra nhiều quả, có lẽ vì hợp thời tiết, thổ nhưỡng nên cây bí xanh phát triển rất tốt. 

“Trồng bí xanh không khó, tuy nhiên mất khá nhiều thời gian chăm sóc như tưới nước, dựng giàn, tỉa nhánh, chăm bón. Bù lại, trồng cây này đem lại thu nhập kinh tế khá lớn, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng mía ”-  chị Minh cho biết thêm. 
Theo tính toán của người dân, với mỗi hecta bí xanh sớm, người dân đầu tư chi phí hết gần 100 triệu đồng, nhưng có thể thu về khoảng 150 - 200 triệu đồng/ha. Về cách trồng và chăm sóc, theo kinh nghiệm của người dân và qua tập huấn của Hội nông dân xã, trước khi trồng sẽ ngâm hạt, ủ kín, khoảng  một vài ngày hạt nứt nanh, đem gieo thẳng hoặc gieo trong bầu ni lon sau đó trồng ra ruộng.

 
Khi cây được 90 - 100cm thì người dân bắt đầu làm giàn bằng cách cắm chéo cây chống thành hình như mái nhà để tận dụng không gian.

Khi cây được 90 - 100cm thì người dân bắt đầu làm giàn bằng cách cắm chéo cây chống thành hình như mái nhà để tận dụng không gian. Khi dây leo cần để ở tư thế tự nhiên, không vặn úp hoặc lật dây, dùng dây chuối hoặc rơm nếp buộc gọn vào dưới nách lá, ghim vào giàn. Và mỗi cây để 2-3 nhánh chính, mỗi nhánh để 2 - 3 quả. Khi quả được khoảng 60 ngày tuổi thì người dân bắt đầu thu hoạch.

 
Cán bộ hội nông dân xã tham quan mô hình bí của gia đình anh Từ. 

Vụ Xuân 2020, xã Nghĩa Yên huyện Nghĩa Đàn đã chuyển đổi hơn 30 ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Đến thời điểm này, có hơn 60% diện tích đã cho thu hoạch, năng suất đạt trên 2 tấn/sào, giá bán từ 12 - 15 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, xã Nghĩa Yên còn chuyển đổi được hơn 100 ha dưa hấu.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Nghĩa Yên đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng, vụ xuân có thêm cây dưa hấu và bí xanh. Thời điểm này cây bí đã cho thu hoạch, năng suất cao, giá bán từ 12-15 ngàn/kg, người dân rất phấn khởi" -  anh Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Yên trao đổi.

 
 Nông dân Nghĩa Đàn thu nhập 150-200 triệu đồng/ha từ trồng bí xuân sớm.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Nghĩa Yên đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, là hướng đi phù hợp để địa phương tiếp tục duy trì và phát triển việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang trồng các loại cây cho cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay, ngoài xã Nghĩa Yên, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn cũng đã có nhiều nhiều địa phương thực hiện thành công mô hình này. Để cây bí xanh phát triển bền vững, tránh tình trạng khi có nhiều người trồng giá lại xuống thấp, rất cần có sự liên kết để bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.

Minh Thái 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện