Kinh tế

Anh Sơn triển khai có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP

16:48, 10/03/2020
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan, 21 xã, thị trấn tích cực triển khai thực hiện. Đây được coi là hướng đi đúng và trúng trong việc lan tỏa thương hiệu địa phương và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân trên cơ sở tạo ra sản phẩm tốt, có thương hiệu được chứng nhận sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Anh Sơn theo hướng bền vững.

Chè Gay là một cây trồng truyền thống có từ lâu đời ở xã Cao Sơn huyện Anh Sơn, là cây trồng mũi nhọn trong xóa đói, giảm nghèo, giúp người dân Cao Sơn có thu nhập ổn định. Thực hiện chương trình OCOP, huyện Anh Sơn đã chọn cây chè Gay làm sản phẩm để xây dựng thương hiệu và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể năm 2019 và tháng 2/2020, HTX chè Gay Cao Sơn  được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019, đây là niềm vui lớn đối với người trồng chè Cao Sơn. Gia đình chị Hà Thị Lộc thôn 8 xã Cao Sơn là hộ dân có hơn 20 năm trồng cây chè Gay, để tạo nên thương hiệu và sản phẩm được người dân khắp mọi miền lựa chọn, gia đình chị Lộc cũng như người trồng chè Cao Sơn đã áp dụng quy trình sản xuất sạch.

 
  Tháng 2/2020, HTX chè Gay Cao Sơn  được UBND tỉnh Nghệ An công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao khi tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019.

"Bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi thu hái 40- 50 bó, với giá chè như hiện nay là 5000 - 6.000 đồng/bó, mỗi tháng gia đình tôiị cũng có nguồn thu 5- 6 triệu đồng. Khi sản phẩm chè Gay của địa phương được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao, người dân Cao Sơn rất phấn khởi, bởi từ chương trình này sẽ nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi để khẳng định danh tiếng, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người dân" - chị Lộc chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết: hiện nay toàn xã có gần 550 ha, với 90% hộ gia đình trồng chè Gay, hộ trồng nhiều trên 1 ha, hộ trồng ít từ 2 - 3 sào. Trung bình mỗi ngày người dân Cao Sơn bán ra thị trường từ 8.000 đến 8.500 bó chè. Với giá chè bình quân 5000 đồng/ bó, tính ra mỗi năm thu nhập từ cây chè Gay mang lại cho người dân nơi đây là trên 12 tỷ đồng. Để triển khai chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, xã đã tuyên truyền vận động bà con nhân dân hiểu được khi đã xây dựng được nhãn hiệu OCOP cho sản phẩm thì sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cho thu nhập ổn định cho người dân. Trong quá trình sản xuất, xã đã vận động bà con chú trọng nâng chất lượng sản phẩm chè, cam kết áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng. 

 
Bánh gai xứ Dừa là một trong những sản phẩm được huyện Anh Sơn lựa chọn tham gia Chương trình OCOP năm 2019. 

Bánh gai xứ Dừa là đặc sản nổi tiếng từ lâu đời ở xã Tường Sơn huyện Anh Sơn, đây cũng là một trong những sản phẩm được huyện Anh Sơn lựa chọn tham gia Chương trình OCOP năm 2019. Hiện nay, toàn xã có gần 30 cơ sở làm bánh gai, trong đó 4 hộ sản xuất chuyên nghiệp có thuê nhân công và trả lương công nhật. Mỗi ngày các hộ sản xuất chuyên nghiệp làm ra khoảng từ 1.000 chiếc bánh trở lên, còn những hộ thời vụ thì mỗi ngày làm ra khoảng 400 chiếc phục vụ người tiêu dùng. Như vậy, mỗi ngày trung bình người làm bánh gai tại xã Tường Sơn sản xuất khoảng từ 10.000- 15.000 cái bánh gai. Những năm gần đây, nhờ uy tín của thương hiệu bánh gai xứ Dừa nên đã có nhiều gia đình trong xã thoát nghèo.  Người dân Tường Sơn rất mong mỏi, khi triển khai chương trình OCOP, sản phẩm bánh gai sẽ được xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm đi từ người sản xuất đến nơi tiêu thụ, với sự liên kết mật thiết giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm đặc trưng của địa phương, đồng thời khi đã xây dựng được nhãn hiệu OCOP cho sản phẩm, bà con sẽ chú tâm vào xây dựng thương hiệu để ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; từ đó sẽ có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

 
Những năm gần đây, nhờ uy tín của thương hiệu bánh gai xứ Dừa nên đã có nhiều gia đình trong xã thoát nghèo.

Trên cơ sở các sản phẩm định hướng tham gia Chương trình OCOP, sau hơn 1 năm triển khai chương trình, huyện Anh Sơn đã lựa chọn một số sản phẩm chủ lực, có thế mạnh hoặc mang tính đặc trưng để định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP, giai đoạn 2019- 2020 bao gồm 6 sản phẩm nhóm thực phẩm là: Dưa lưới, rau ATTP ở xã Hội Sơn; Dưa lưới, Dưa chuột bao tử, Rau ATTP ở xã Phúc Sơn; Tinh bột sắn ở xã Hoa Sơn; Đường kính ở xã Đỉnh Sơn; cam Bù Kim Nhan ở xã Hội Sơn; Cam Bãi Phủ ở xã Đỉnh Sơn; Bánh gai ở xã Tường Sơn. Hai sản phẩm nhóm đồ uống là Chè thực phẩm ( Chè gay) ở xã Cao Sơn, Lĩnh Sơn; Chè xanh ở xã Hùng Sơn;. Nhóm dịch vụ - Du lịch nông thôn gốm du lịch sinh thái Bản vều xã Phúc Sơn; Du lịch tâm linh Nghĩa trang Việt – Lào, đền Cửa Lũy, chùa Anh Sơn để kết hợp quảng bá và giới thiệu sản phẩm của địa phương. Theo đó, tháng 2 năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An năm 2019, huyện Anh Sơn đã có 3 sản phẩm được xếp hạng 3 sao đó là: chè Gay Cao Sơn, Cam Bù Kim Nhan và chè xanh Hùng Sơn.

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện