Nông nghiệp

Lội rừng ngập mặn đẽo hàu, người dân Nghệ An kiếm tiền trăm mỗi buổi

16:42, 08/03/2020
Khi thủy triều trên dòng Mơ qua nhiều xã ven biển huyện Quỳnh Lưu rút xuống gần cạn đáy, bà con địa phương lại hối hả mang dụng cụ vào rừng ngập mặn để “đẽo” hàu. Công việc này đòi hỏi cần mẫn, chịu khó nhưng giúp ngời dân kiếm tiền trăm mỗi buổi.

Mùa này, người dân nuôi hàu trên các dòng sông chảy ra biển đang vào mùa thu hoạch. Đối với những người chuyên đi đẽo hàu, đây là dịp làm ăn của họ khi thời gian này ở các con sông ngập mặn, nước đang rút cạn nên dễ dàng tìm thấy hàu.

 
Người dân Quỳnh Lưu lội sông đẽo hàu trong khu rừng ngập mặn.  

Bà Nguyễn Thị Liễu, ở xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu cho biết: người dân vùng ven biển rất am hiểu về việc căn được thủy triều lên xuống ở các con sông nối ra cửa biển. Mỗi tháng thường có khoảng 15 ngày nước xuống. Khi nước cạn, hàu được tìm thấy rất nhiều ở các tảng đá, nằm bám vào rừng ngập mặn. Người dân chỉ việc mang dụng cụ là chiếc búa sắt nhọn để đẽo lấy ruột hàu. 

“Hàu được đẽo so với hàu kết bè nuôi trên sông có ruột nhỏ hơn rất nhiều. Do vậy, bà con phải tỉ mỉ, gỡ cẩn thận mới lấy được. Loại hàu tự nhiên này có nhiều dinh dưỡng và giá bán cao hơn. Nếu đẽo hàu đến cuối chiều, riêng tôi cũng kiếm được khoảng 2 kg ruột cho thu nhập hơn 250.000 đồng”, bà Liễu chia sẻ thêm.

 
 Thời gian đẽo hàu phụ thuộc vào con nước. Khi nước sông rút ra cửa biển người dân mới có thể tìm thấy hàu.

Theo ghi nhận, dọc sông Mơ qua xã Quỳnh Minh, An Hòa, huyện Quỳnh Lưu mỗi ngày có hàng chục người chuyên đi đẽo hàu. Với những người chuyên làm nghề này thì việc nhận biết ở vùng nào có nhiều hàu thì dễ dàng với họ. Do đặc tính loại hàu thường sống kí sinh, bám vào các vật cản nên rất dễ tìm thấy khu vực sông, rừng ngập mặn, các bãi đá ngầm ở biển. 

 
 
 
 So với giống hàu sữa, hàu tự nhiên con nhỏ gấp 3 lần nhưng  cho hàm lượng dinh dưỡng cao.

Chị Phạm thị Lý ở xã An Hòa cho biết, việc đẽo hàu làm quanh năm, nhưng thường xuyên vẫn là từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch. Đây là thời điểm hàu sinh trưởng cho ruột to nhất và cũng dễ tìm do thủy triều xuống nhiều hơn. Không phải đầu tư, bà con chỉ cần chịu khó ngồi đẽo, di chuyển nhiều nơi cũng có thể kiếm được khoản thu nhập khá. “Sau Tết đến nay, 2 chị em chúng tôi thường xuyên đi tìm, đẽo hàu để ra chợ bán. Ngày được nhiều cũng được 5 – 6 kg, với giá hiện nay 120.000 đồng/kg thì chỉ trong một ngày chúng tôi kiếm được hơn 700.000 đồng”, chị Lý cho biết.

 
 Đẽo hàu mang lại thu nhập tiền trăm mỗi buổi cho người dân ven biển Quỳnh Lưu.

Sau khi gỡ được ruột hàu, có người mang về để ăn nhưng phần lớn đều mang ra các điểm chợ bán bởi giá thu mua tương đối cao. Theo tìm hiểu, thời điểm Tết, giá hàu có thời điểm lên đến 170.000 – 200.000 đồng/kg. Giá hàu thời điểm hiện tại đã giảm, tuy nhiên so với những loài đặc sản khác thì hàu biển vẫn có giá trị và dinh dưỡng cao nên được nhiều người ưa chuộng.

Việt Hùng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện