Loạn chợ tự phát, chợ vỉa hè ở vùng cao
Địa bàn huyện Quỳ Châu hiện mới chỉ có 6 chợ, bao gồm cả chợ thị trấn, chợ nông thôn phục vụ nhân dân buôn bán, trao đổi hàng hóa. Hoạt động kinh doanh ở những khu chợ này chưa tạo được sự chuyển biến trong phát triển thương mại và đáp ứng nhu cầu dân sinh của 12 xã, thị.
Xã Châu Hội, có 10 thôn bản, hơn 7000 nhân khẩu, cách thị trấn huyện gần 10 km, nhưng không có chợ. Vì vậy, nhiều năm nay, địa điểm mút cầu treo Châu Hội, mọc lên một cái chợ tự phát. Hàng hóa, nông sản, thực phẩm bà con thu hái được, được bày bán rải rác từ sáng đến chiều tối. Đây là một trong những khó khăn của cấp ủy chính quyền xã Châu Hội trong xây dựng nông thôn mới.
“Chợ là một tiêu chí rất quan trọng trong xây dựng xã nông thôn mới, bởi vì, nếu không có chợ thì sẽ hạn chế giao lưu, buôn bán hàng hóa trong xã; không kích thích được sản xuất, lưu chuyển hàng hóa trong vùng. Lâu nay, dân tự phát họp chợ ở chân cầu gây mất trật tự an toàn giao thông. Chúng tôi đề nghị chính quyền cấp trên, ngành liên quan cần xem xét, quan tâm hỗ trợ cho địa phương khắc phục tình trạng này” - ông Nguyễn Sĩ Luận, Phó chủ tịch UBND xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu đề xuất.
Xuất phát từ nhu cầu mua bán, nên gần đây, chợ tự phát, chợ vỉa hè mọc lên hầu khắp các huyện vùng cao. Tại xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, vào giữa năm 2019 tới nay, từ một bãi đất trống cạnh Quốc lộ 48 đã tự phát hình thành khu chợ buôn bán. Nghịch lý là, mặc dù do bà con kinh doanh tự cơi nới, nhưng lại là địa điểm mà người dân thường lui tới mua hàng, thay vì phải vào chợ khu vực thị trấn Quỳ Châu.
“Tôi thấy hàng hóa ở đây mua rất dễ, thuận tiện đường sá. Mà bà con bán với giá cả cũng phù hợp. Người dân trong vùng chúng tôi hầu như mua sắm tại nơi này” - anh Lê Hồng Phúc, người dân xã Châu Hạnh, Quỳ Châu trong một buổi đi làm về, rẽ vào chợ tạm mua hàng chia sẻ.
Tâm lý mua bán của người dân là luôn tìm chọn địa điểm tiện lợi và gần nhất. Điều đó cho thấy: việc quy hoạch, phân bố xây dựng chợ miền núi hiện nay còn thiếu sự hài hòa giữa các xã, cụm xã.
Về vấn đề chất lượng hạ tầng thương mại miền núi ở 11 huyện, thị miền tây của tỉnh Nghệ An, hầu hết các chợ thị trấn, trung tâm huyện lỵ cơ bản đạt các tiêu chí chợ hạng 2, hạng 3. Mỗi loại chợ như thế, sẽ đáp ứng từ 400 xuống 200 điểm kinh doanh; phục vụ phần lớn nhu cầu mua sắm các loại hàng hóa, đồ dùng, thực phẩm của người dân trong vùng. Tuy nhiên, do quá trình thiết kế xây dựng đã lâu nên một số hạng mục công trình phụ trợ bị xuống cấp; hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo,… cản trở sự giao lưu, mua bán, làm ăn của bà con tiểu thương. Đây cũng là nỗi băn khoăn của những người trực tiếp quản lý chợ hiện nay.
“Chợ Hiếu xuống cấp và mất an toàn từ hệ thống PCCC; đình, mái xập xệ, chật hẹp nhiều năm nay. Chúng tôi mong cần có dự án chuyển đổi để xây dựng khang trang, hiện đại phục vụ bà con tiểu thương kinh doanh và người dân. Chứ chợ trong tình trạng như hiện nay, thực sự không thể nào thuận lợi, phát triển được” - Trưởng Ban quản lý chợ Hiếu, thị xã Thái Hòa, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.
Quy hoạch dàn trải - Thiếu chợ đầu mối
Chương trình quy hoạch chợ theo đề án phát triển hạ tầng thương mại miền núi của Nghệ An đã được triển khai qua hai giai đoạn: 2010-2015, 2015-2020; gần như cùng thời điểm của công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thế nhưng, cho đến nay, theo đánh giá của ngành chức năng, hệ thống chợ thuộc 11 huyện, thị miền núi vẫn chưa được xây mới, cải tạo, nâng cấp, chưa phù hợp với nhu cầu phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn. Mới chỉ có 51 chợ được xếp hạng, trong tổng số 152 chợ nông thôn của toàn khu vực.
Và trên thực tế có những công trình được rót vốn, triển khai xây dựng ba năm qua, nhưng đến nay cũng chỉ dừng lại ở dãy ki ốt hoang. Đó là trường hợp chợ nông thôn xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Lãnh đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quỳ Hợp, ông Kim Thành Xuyên cho biết, là do nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ cấp còn hạn hẹp, nên công trình rơi vào dở dang, chưa biết đến khi nào mới có thể hoàn thành.
Thời gian qua, việc quy hoạch, xây dựng chợ theo phương thức dàn trải, đồng đều không tính đến mật độ dân cư, ví trí, địa điểm thuận lợi trong xây dựng chợ, cũng như tâm lý, nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân, nên đã gây ra tình trạng vừa thiếu chợ, vừa thừa chợ ở một số địa phương. Chợ Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; chợ Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa là những chợ được xây dựng khang trang nhưng không thu hút được lượng người bán và người mua.
Mặt khác, trong quy hoạch chợ miền tây hiện tại đang thiếu các chợ đầu mối nhằm tập kết, phân phối các sản phẩm truyền thống và đặc sản hàng hóa của mỗi vùng. Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo cấp ủy chính quyền xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn- Phó Chủ tịch Hạ Bá Lỳ và ông Kim Thành Xuyên- Trưởng Phòng KT-HT huyện Quỳ Hợp. Bởi, hai trong số các sản phẩm nông sản của xã Huồi Tụ, của huyện Kỳ Sơn nói chung, và huyện Quỳ Hợp, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng Chỉ dẫn địa lý về chất lượng, quy mô, truyền thống nông sản nức tiếng. Đó là: gừng Kỳ Sơn và cam Vinh. Chuỗi hàng hóa nông đặc sản nếu kết nối cung cầu thuận lợi, chắc chắn sẽ lan tỏa rộng rãi khi chúng ta xây dựng được chợ đầu mối tại những vùng này.
Ưu tiên nguồn lực, đầu tư nâng cấp chợ vùng cao
Sự phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An đến nay còn khá nhiều bất cập. Chợ là một loại hình thương mại trung tâm, quan trọng hàng đầu cần phải được quan tâm ưu tiên đầu tư xây dựng đầy đủ và phù hợp với tình hình của mỗi địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, biên giới, kinh tế xã hội còn chậm phát triển như hiện nay. Bởi vậy, để giải quyết khó khăn, cần có các phương án khả thi hơn.
“Để thực hiện việc đầu tư phát triển chợ ở khu vực này thì cần phải tính toán đến nhu cầu, khả năng phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Quy hoạch đúng đắn là cần phải xét đến địa điểm mà trước kia đã có chợ truyền thống, hoặc là những tụ điểm thu hút được đông người tham gia qua lại, tổ chức giao thương, giao lưu hàng hóa; phải là khu vực thuận tiện giao thông, kết nối giữa các vùng miền. Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý, quá trình đầu tư, phát triển chợ ở các vùng nông thôn miền núi phải tính toán phù hợp với nhu cầu, tránh tình trạng có những chợ xây ra nhưng không có người họp; hoặc có chợ xây ra không sử dụng hết công năng, sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội” - bà Trần Thị Mĩ Hà, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Nghệ An trao đổi.
Xây dựng hạ tầng thương mại làm trọng tâm phát triển, giao thương hàng hóa vùng miền núi, là một trong những mục tiêu được đặt ra trong Đề án của Chính phủ ban hành, tại QĐ 2355 về Phát triển kinh tế xã hội miền Tây Nghệ An. Do vậy, để đáp ứng hạ tầng kinh doanh- trung tâm thương mại tại mỗi huyện, thị, xã và cụm xã, đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy chính quyền các cấp cần phải ưu tiên nguồn lực, kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp ; thực hiện hiệu quả chính sách mời gọi các tổ chức, cá nhân có tiềm lực trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, quản lý chợ. Có như vậy, bài toán quy hoạch chợ miền núi, chợ nông thôn mới được giải đáp một cách thỏa đáng, làm nền tảng cho sự vươn lên phát triển kinh tế xã hội ở khu vực này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin