Kinh tế

Những mô hình thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm của thanh niên vùng cao Kỳ Sơn

10:57, 27/03/2020
Nhờ được “thổi lửa” cùng với tinh thần khởi nghiệp mà nhiều người trẻ ở các bản làng vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn, đã có cho mình những mô hình trồng trọt, chăn nuôi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, làm giàu ngay chính trên quê hương.

Là một trong những tấm gương điển hình từ chương trình khởi nghiệp và phát triển kinh tế, anh Xồng Bá Lẩu, bản Buốc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, đã chọn mô hình trồng gừng, cây đào và mô hình trồng cây dược liệu.

 
 Anh Xồng Bá Lẩu, đang hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dược liệu.

Anh Lẩu cho biết: Năm 2010, anh tốt nghiệp khoa Nông học, thuộc Trường đại học Nông Lâm – Đại học Huế, anh mạnh dạn khai hoang vùng đất trống dưới chân núi Pù Xai Lai Leng, để trồng Gừng và cây đào, lấy ngắn nuôi dài, sau nhiều năm tích lũy vốn từ số tiền bán gừng và bán hoa đào vào mỗi dịp tết Xuân về. Đến năm 2018, anh Lẩu tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng mua cây giống, vật tư, mái che, rào B40, phân bón để triển khai trồng hơn 4 ha cây dược liệu, bao gồm cây Đẳng Sâm, Tam Thất và cây Sâm Pu xai lai leng.

 
 Cây Đẳng Sâm hay còn có tên khác là cây sâm Bảy lá là một trong nhưng cây dược liệu được gia đình ảnh Lẩu trồng nhiều với 3 ha.

Nhờ những kiến thức được tính lũy từ giảng đường đại học, cộng thêm bản tính cần cù của bản thân, nay anh Xồng Bá Lẩu đã làm chủ hơn 4 ha cây đào 2 ha cây gừng, 4 ha cây dược liệu đã đến tuổi cho khai thác lá thành phẩm và hàng chục con gia súc, mỗi cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng. 

 
cùng với phát triển cây dược liệu thì gia đình anh Lấu tiếp tục mở rộng thêm nhiều diện tích cây gừng để có vốn lấy ngắn nuôi dài. 

“Sau khi tốt nhiệp đại học mình không xin việc mà chọn con phát triển kinh tế để giúp gia đình vượt qua khó khăn. Đầu tiên mình nghiên cứu trồng gừng và cây đào, có vốn mình phát triển thêm mô hình trồng cây dược liệu, trồng 3 loại này nó cho thu nhập cao, đào tết năm vừa rồi đào nhà mình bán được 93 triệu, còn gừng vừa rồi bán được 115 triệu, mỗi năm thu nhập bình quân hàng năm thu từ 100 đến 150 triệu là đều đều, còn năm nay chắc sẽ cao hơn vì cây dược liệu cũng bắt đầu cho khai thác” - anh Lẩu tâm sự.

Còn gia đình anh Lầu Bá Lếnh, bản Ka Trên, cùng xã Na Ngoi, lại chọn vùng đất hoang chỉ toàn là cỏ lau, cỏ tranh để khoanh chăn thả trâu, bò.

 
Gia đình anh Lầu Bá Lếnh, bản Ka Trên chọn vùng đất hoang chỉ toàn là cỏ lau, cỏ tranh để khoanh nuôi chăn thả trâu, bò, mỗi năm cho thu nhập từ 120 đến 170 triệu đồng/năm. 

Anh Lếnh cho biết: Bước đầu chăn nuôi gia đình anh cũng gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh. Nhưng với mong muốn thoát nghèo anh đã tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm từ các mô hình khác trong xã, nay gia đình anh Lếnh đang làm chủ cả một vùng đất đồi với diện tích hơn 10 ha, chăn thả hơn 20 con bò, gần 10 con trâu, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng từ bán gia súc. Từ một trong những hộ khó khăn trong bản nay gia đình anh đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ giàu, hộ khá ở bản Ka Trên xã biên giới Na Ngoi Kỳ Sơn.

“Lâu nay gia đình ta đã không còn trồng lúa rẫy nữa, mà chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò, thu nhập thì một lần mình bán ba, bốn con trâu, bò thu được 120 đến 170 triệu, cái nguồn này cũng đáp ứng được cuộc sống hàng ngày, so với làm rẫy trước đây thì chăn nuôi trâu bò đỡ hơn nhiều so với làm rẫy" -  anh Lầu Bá Lếnh chia sẻ.

 
 Những con bò đực có dáng sừng đẹp và dài luôn có giá trị chuyển nhượng cao vì phù hợp với sở thích tuyển chọn bò chọi của đồng bào Mông Kỳ Sơn

Anh Xồng Ba Lẩu và anh Lầu Bá Lếnh, ở xã Na Ngoi là những tấm gương, là những nhân tố nổi bật đại diện cho những đoàn viên thanh niên tiêu biểu, có ý chí, khát vọng lập nghiệp, làm giàu ở huyện vùng cao Kỳ Sơn.

Theo số liệu của ban huyện đoàn Kỳ Sơn, ngoài hai mô hình nêu trên, huyện Kỳ Sơn hiện còn có 23 mô hình do thanh niên làm chủ cho thu nhập từ 50 đến 150 triệu đồng mỗi năm. 
“Từ những mô hình này chúng tôi đang hướng đến xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên thời kỳ mới, thời đại Hồ Chí Minh, để nhân rộng các mô hình này cho các thanh niên khác phát triển, đồng thời hướng về phát triển kinh tế hộ gia đình, để giảm tải các thanh niên đi làm ăn xa không rõ địa chỉ.” Anh Lỳ Bá Chò, phó bí thu Huyện Đoàn Kỳ Sơn, chia sẻ thêm

 
Giữa đại ngàn núi rừng mô hình trông cây dược liệu của gia đình anh Xồng Bá Lẩu, bản Buốc Mú, xã Na Ngoi, đã và đang cho thấy những tín hiệu vui  về một hướng đi mới trong phát triển kinh tế. 

Dù họ sinh ra và lớn lên ở những vùng có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng họ vẫn cố gắng tìm cách để vươn lên thoát nghèo và trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở các bản làng vùng sâu, vùng xa. Từ những điện hình trong phát triển kinh tế này đã trở thành những hình mẫu của thanh niên trong thời kỳ đổi mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, với tinh thần sáng tạo của đoàn viên thanh niên, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện vùng cao Kỳ Sơn.

Lữ Phú

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện