Gia đình ông Nguyễn Văn Đậu, xóm Phú Lộc, xã Thượng Tân Lộc có 8 sào đất hoa màu vùng bãi. Vụ xuân năm nay, gia đình ông Đậu đã mạnh dạn bố trí toàn bộ diện tích bằng giống lạc TK20 đã được vào sản xuất tại xã trong những năm gần đây. Với kinh nghiệm trồng lạc xuân sớm trong nhiều năm qua, ông cho biết, khâu quan trọng và vất vả nhất đối với người làm lạc là khâu làm đất, ngoài yêu cầu đất phải thật tơi xốp, thì việc bón đúng, đủ lượng phân rất quan trọng cho quá trình sinh trưởng của cây lạc. Do thực hiện phương pháp phủ ni lông nên việc bón phân đều được thực hiện trước khi gieo trồng. Đặc biệt, 8 sào lạc xuân của ông được bố trí liền kề, không cho thu hoạch đồng loạt mà liền kề nhau từ nay cho đến tháng 5. Qua thu hoạch, năng suất lạc xuân gia đình ông đạt bình quân 3 tạ/sào, thu về xấp xỉ 5 triệu đồng mỗi sào.
Đối với gia đình ông Cao Văn Lộc và bà Mai Thị Vi, xã Tân Thượng Lộc, mặc dù đã cao tuổi nhưng ông bà vẫn tham gia phát triển sản xuất, ông bà cho biết, làm lạc theo phương pháp phủ ni lông sẽ không tốn công nhiều, phù hợp với sức khỏe của người lớn tuổi. Với hơn 2 sào lạc xuân sớm, trong mấy ngày qua đã cho gia đình ông bà thu nhập khá. Thu hoạch chưa hết diện tích 1 sào nhưng đã thu về hơn 4 triệu đồng. Cũng theo bà Vi chia sẻ, do đây là vùng đất cao nên làm sớm được còn những vùng thấp, trũng thì bà con muốn làm cũng không làm được vì sẽ dễ mất mùa.
Vụ xuân năm 2020, Nam Đàn đưa vào sản xuất hơn 1.100ha lạc, riêng xã Thượng Tân Lộc sản xuất 240ha lạc. Với truyền thống trồng lạc xuân sớm, bán lạc non cung cấp cho thị trường, năm nay xã đã bố trí hơn 80ha lạc xuân sớm, được gieo trồng từ tháng 12 dương lịch. Theo bà con nông dân, trồng lạc không khó, không đòi hỏi kỹ thuật, chỉ cần chăm sóc, bón phân đầy đủ là năng suất đạt cao. Cây lạc ít sâu bệnh hơn so với các loại cây trồng khác nên đỡ tốn chi phí phòng trừ bệnh. Đối với lạc tươi thu hoạch sớm chỉ xuống giống 100 ngày là cho thu hoạch. Bên cạnh đó, năm nay thời tiết khá thuận lợi, trong quá trình sinh trưởng không xuất hiện sâu bệnh, đặc biệt, đây là vùng đất bãi nên độ tơi xốp cao, lạc cho cũ chắc. Với kinh nghiệm trong sản xuất lạc sớm, bà con nông dân đạt năng suất khá cao, trên 2,5 tạ/sào, cao hơn hẳn so với năm ngoái, với giá bán tại ruộng 20.000 đồng/kg, bà con nông dân rất phấn khởi. Diện tích trồng lạc xuân sớm là những vùng đất cao, sau khi thu hoạch lạc, người dân sẽ tiếp tục làm đất và xuống giống dưa hấu, dưa đèo, làm sớm dễ bán được giá. Theo ông Nguyễn Trọng Kiểm-Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Tân Lộc, Nam Đàn, nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, từ 4 triệu/sào sau khi đã trừ chi phí, cao hơn so với các loại hoa màu khác. Ông Nguyễn Trọng Kiểm cho biết thêm:“Qua đánh giá chung phong trào tại nơi đây trong những năm gần đây sản xuất diện tích lạc này cho thu nhập khá cao, đặc biệt đưa các giống mới để năng suất, sản lượng lên so với những năm trước. Địa bàn vùng bãi có những thuận tiện nhất định, người dân cũng như phong trào các hộ nông dân bán lạc sớm để cho hiệu quả, đánh giá chung của các hộ cho hiệu quả tương đối khá. Năm nay đồng bộ các hộ sản xuất từ tháng 12 đến nay đã cho thu nhập, bà con rất phấn khởi trong sản xuất mùa vụ, 1ha khoảng 75-80 triệu đồng.”
Theo ngành nông nghiệp huyện Nam Đàn, cây lạc là một trong số cây trồng mang lại hiệu quả trong việc thực hiện chuyển đổi cây trồng, hiện Nam Đàn có giống lạc TK10, TK20 của Hàn Quốc đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi thực hiện mô hình năm 2017, đến nay, bà con nông dân đã phát triển ở nhiều xã. Với nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng cao, lạc được đưa vào danh sách của ưu tiên của mỗi gia đình, nắm bắt được nhu cầu đó, sự năng động, dám nghĩ, dám làm đã thay đổi nhận thức của người nông dân về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đem lại năng suất cao, giúp nông dân có thu nhập ngày càng cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin