Kinh tế

Xây dựng vườn quốc gia Pù Mát thành vườn di sản ASEAN trong năm 2020

17:28, 05/05/2020
Chiều nay (5/5), đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát để nghe kết quả thực hiện nhiệm vụ và đưa ra những vấn đề trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. 
Toàn cảnh buổi làm việc.

 Vườn quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương, có 61km đường biên giới giáp Lào. Hiện Ban quản lý Vườn đang bảo vệ gần 95.000 ha rừng đặc dụng được giao. Vườn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu, ổn định hệ sinh thái đầu nguồn và bảo tồn nguồn gen các loài động thực vật quý hiếm không chỉ cho Việt Nam mà cả thế giới.

Đại diện lãnh đạo huyện Con Cuông phát biểu tại buổi làm việc.

Trong 3 năm qua ở đây đã chấm dứt hoàn toàn tình trạng khai thác gỗ vì mục đích thương mại; tình hình đánh bắt huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sinh cơ bản được khống chế; chấm dứt tất cả các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã. Ban quản lý vườn cũng làm tốt việc hợp tác bảo tồn liên biên giới với Lào trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Đại diện lãnh đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát báo cáo tại buổi làm việc.

Ban quản lý vườn đã phối hợp triển khai các đề tài khoa học công nghệ; Điều tra, giám sát động vật hoang dã; Quản lý tốt kho tiêu bản với giá trị nghiên cứu rất cao; Tiếp nhận cứu hộ hàng trăm cá thể động vật hoang dã… 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu kết luận buổi làm việc.

Ghi nhận những thành tích đã đạt được, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu thời gian tới, Ban quản lý vườn phải nghiên cứu, quy hoạch lại các phân khu chức năng phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã, phát triển sinh kế cho đồng bào các yeah dân tộc sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm. Hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng; tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; Ngăn chặn triệt để việc phá rừng, khai thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ và săn bắt động vật hoang dã, động vật thủy sinh.

Xây dựng vườn quốc gia Pù Mát thành vườn di sản ASEAN trong năm 2020. (Ảnh Internet)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý vườn cần tạo môi trường sống an toàn để tái thả các loài động vật hoang dã sau cứu hộ về môi trường tự nhiên. Có kế hoạch mở rộng Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã; Thực hiện chương trình sinh sản bảo tồn các loài quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ trong chương trình bảo tồn quốc gia. BQL Vườn tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh một số vấn đề như: Xây dựng hoàn thiện hồ sơ Vườn di sản ASEAN để trình Trung tâm ASEAN về Đa dạng sinh học thẩm định phê duyệt trong năm 2020; xây dựng chương trình hợp tác liên biên giới Lào để hình thành hành lang đa dạng sinh học liên biên giới đầu tiên ở Nghệ An. Phấn đấu đến năm 2025 Vườn quốc gia Pù Mát được đưa vào danh lục xanh  của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới.

 

Thuý Vinh - Trường Ca

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện