Kinh tế

Kỳ Sơn triển khai các giải pháp chống hạn cho lúa hè thu

11:19, 14/07/2020
Do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khe suối ở miền núi bị cạn kiệt, làm ảnh hưởng đến công tác sản xuất lúa hè thu năm 2020. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho quá trình sản xuất, huyện Kỳ Sơn đã tích cực chỉ đạo các xã triển khai các phương án chống hạn cho cây lúa vụ hè thu.
Người dân xã Hữu Kiệm đồng loạt ra quân làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, gia cố đập nước đầu nguồn đưa nước về chống hạn.

Vụ hè thu là vụ mùa chính trong năm của người dân vùng cao, huyện Kỳ Sơn. Tuy nhiên, do năm nay nắng nóng kéo dài người nông dân phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhất là tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới. Theo ông Xã Văn Công, trưởng bản, bản Na Lượng 1, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, cho biết: “Để đảm bảo cho sản xuất vụ hè thu đúng tiến độ, trong những ngày qua, bà con nông dân xã Hữu Kiệm đã chủ động ra quân làm thủy lợi  nguồn nước tưới, trong đó tập trung tăng cường gia cố đập nước đầu nguồn, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương, dẫn nước về phục vụ sản xuất theo kế họach đề ra.”

Với phương châm có nước đến đâu triển khai cày cấy sản xuất đến đó, bà connông dân Kỳ Sơn đang cố gắng sản xuất hết hơn 720 ha diện tích ruộng nước.

Còn tại xã Chiêu Lưu, ngay từ đầu mùa vụ UBND xã đã chỉ đạo bà con nông dân, triển khai khép kín hơn 40 ha lúa nước hiện có. Ngoài ra, chính quyền xã Chiêu Lưu cũng tích cực vận động bà con nhân dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích lúa ở những chân ruộng cao, thiếu nước sang trồng cây hoa màu và cây ngô lai. 

Cùng với các biện pháp chống hạn, vụ hè thu năm 2020 huyện Kỳ Sơn đã đưa giống lúa nếp ĐT52 có khả năng chịu hạn vào sản xuất.


“Khó khăn nhất là ở bản Tạt Thoong vì hạn hán không có nước, nguyên nhân nữa là bản này chưa có điện lưới để sự dụng nên nhân dân lấy nước vào máy phát điện nhỏ, nên nguồn nước tưới không có để trồng lúa, nên chúng tôi phải chỉ đạo người dân trồng các loại cây khác” - ông La Đức Thoại, Chủ tịch UBND xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn, cho biết.
Xác định cây lúa đóng vai trò chủ lực trong việc đảm bảo an ninh lương thực và cũng là nguồn thu nhập chính của người nông dân, ngay từ đầu mùa vụ hè thu huyện Kỳ Sơn đã chủ động các phương án chống hạn cho cây trồng. Trong đó, tích cực chỉ đạo các ngành chuyên môn các địa phương cần có phương án điều tiết nước hợp lý cho cây lúa, theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, Trạm khuyến nông huyện Kỳ Sơn đã đưa giống lúa nếp ĐT52 có khả năng chịu hạn vào sản xuất, đồng thời triển khai tập huấn hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây lúa nước.

Để sản xuất giữa thời tiết nắng nóng khô hạn, huyện Kỳ Sơn chỉ đạo người dân chủ động chuyển đổi cây trồng khác vào sản xuất.

“Trạm khuyến nông huyện là cơ quan chuyển giao tiến bộ KHKT đã phối hợp với các xã, đặc biệt là trong thời tiết khô hạn này để hướng dân cho bà con trong áp dụng khoa học kỹ thuật mới, đặc biệt là làm đất, chuận bị đất, gieo trồng theo cơ cấu của huyện. Qua đó Trạm đã tập huấn chuyển giao cho 15 lớp về thâm canh cây lúa nước cho cái vụ hè thu mùa này. Đặc biệt trong thời tiết nắng hạn này việc chỉnh trang đồng ruộng, khơi thông dòng chảy tại các kênh mương thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới tiêu đồng ruộng là quan trọng" - ông Lê Anh Tuấn, Trưởng trạm khuyến nông huyện Kỳ Sơn trao đổi.

Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay toàn huyện Kỳ Sơn gieo trồng trên 720 ha lúa nước. Để đảm bảo đạt năng suất hiệu quả và hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp các ngành, sự nỗ lực của các địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, đồng thời chủ động chuyển đổi cây trồng trên những diện tích thiếu nước.

Lữ Phú 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện