Kinh tế

Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh

11:28, 25/09/2020
Nắm bắt được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời gian qua, công ty Thuỷ điện Bản Vẽ từng bước nghiên cứu, ứng dụng CMCN 4.0 vào công tác sản xuất của nhà máy, tăng hiệu quả công việc đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang lan rộng ra phạm vi toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư, sản xuất và thương mại của tất cả lĩnh vực trong đó có ngành công nghiệp sản xuất điện. CMCN 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm đáng kể chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối và làm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Xác định được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ từng bước nghiên cứu, ứng dụng CMCN 4.0 vào công tác sản xuất của nhà máy, tăng hiệu quả công việc đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

PXSC thí nghiệm các chỉ tiêu hóa.
PXSC thí nghiệm các chỉ tiêu hóa.

Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) là thuật ngữ rút gọn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industrial Revolution 4.0), được bắt nguồn từ một dự án chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức về xúc tiến quá trình điện toán hóa (Computerization) nền sản xuất hàng hóa. Đó là quá trình thay đổi mô hình sản xuất và/hoặc kinh doanh, tạo ra doanh thu và giá trị mới bằng công nghệ số với đòn bẩy của công nghệ nền thế hệ thứ ba bao gồm: Điện toán di động, mạng xã hội, điện toán đám mây (i-Cloud Computing) và các gói dữ liệu lớn (Big Data), internet kết nối vạn vật  (IoT: Internet of Thing), công nghệ giám sát vận hành (OT: Operational Technology), công nghệ người máy (Robotics)… Tất cả các công nghệ nói trên sẽ tạo ra các nhà máy kết nối, phân quyền, phân cấp một cách thông minh trong sản xuất (Smart Decentralised Manufacturing), hệ thống tự tối ưu hóa (Self-optimising System) và chuỗi cung ứng số hóa trong môi trường của hệ thống thực - ảo (Cyber - physical System) bao gồm phần cứng và phềm mềm kết nối qua mạng không dây hoặc điện toán đám mây. 

Ảnh internet.
Ảnh Internet.

Hiện tại, toàn bộ hệ thống văn bản, công văn của Công ty đều được xử lý trên hệ thống máy tính thông qua hệ thống EOffice3.0. Các giao dịch, trao đổi văn bản đều không sử dụng đến giấy tờ mà chỉ sử dụng bản điện tử. Kết hợp với công nghệ chữ ký số, giúp giảm thời gian xử lý văn bản đồng thời đảm bảo tính bảo mật, tức thời của công tác văn thư lưu trữ.

Để đặt nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn nữa, Công ty luôn đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và sáng kiến sáng chế. Hàng năm, Công ty có từ 10-15 sáng kiến sáng chế được Tổng Công ty phê duyệt. Ngoài ra, một số dự án đang được nghiên cứu triển khai áp dụng CMCN4.0 như: Hệ thống giám sát Online tổ máy phát điện; Hệ thống thông báo sự cố qua tin nhắn; Hệ thống quản lý vật tư thiết bị bằng mã vạch; Ứng dụng công nghệ AI và Bigdata để xây dựng hệ thống dự báo lưu lượng về hồ thủy điện…

Ngoài ra, để đáp ứng tốt chủ trương của EVN, EVNGENCO1 về việc xây dựng các chương trình đào tạo nội bộ, Công ty đã chủ động tìm tòi, ứng dụng các công nghệ mới để tạo ra các bải giảng Elearning đúng chuẩn SCORM nhưng đảm bảo bài giảng đầy đủ nội dung, sinh động cuốn hút người học. Theo Ông Lê Trung Kỷ, Quản đốc phân xưởng vận hành, việc ứng dụng phần mềm ISpring Suite giúp anh em trong phân xưởng tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc tạo bài giảng điện tử, tạo hứng thú cho người làm cũng như học viên. Ngoài ra, Phân xưởng ứng dụng công nghệ AI của Viettel để chuyển đổi văn bản thành giọng nói một cách nhanh chóng, đây là một thành phần rất quan trọng của bài giảng điện tử và góp phần giúp học viên dễ dàng tiếp cận với các kiến thức mới. 

Ứng dụng AI của Viettel – chuyển văn bản thành giọng nói.
Ứng dụng AI của Viettel – chuyển văn bản thành giọng nói.

Công ty xác định triển khai ứng dụng CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất để bứt phá, nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vận hành thiết bị  công trình và các dịch vụ khách hàng… Đây chính là “chìa khóa” để Công ty nhanh chóng đáp ứng những thay đổi về công nghệ, tối ưu chi phí sản xuất, và đây là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới đối với Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ.

PV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện