Mặc dù tình hình dịch Covid-19, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế chung của đất nước, nhưng bà con nhân dân làng nghề sản xuất hương thẻ Tây Lân huyện Nghi Lộc rất phấn khởi, bởi năm nay có nhiều đơn đặt hàng hơn những năm trước.
Các hộ làm hương làng nghề Tây Lân hối hả vào vụ Tết . |
Gia đình anh Lê Văn Việt, ở xóm 5 xã Nghi Trường là một trong những hộ có thâm niên trong nghề làm hương thẻ Tây Lân cho biết: Để cạnh tranh với thị trường, hai năm nay, gia đình anh chọn giải pháp lấy nguyên liệu làm hương hoàn toàn bằng các loại thảo mộc như: Rễ hương, hoa hồi, quế chi, thảo quả từ các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quỳnh Lưu…Ưu điểm của hương làm bằng thảo mộc sẽ không gây độc hại đối với sức khoẻ người sử dụng, cũng như người trực tiếp sản xuất. Trung bình mỗi ngày gia đình cung cấp ra thị trường từ 5 – 7 ngàn thẻ hương các loại; những ngày cao điểm như dịp áp Tết Tân Sửu , từ 1- 2 vạn thẻ.
Nhờ sản xuất bằng thảo mộc, năm 2020 gia đình đã ký được đơn đặt hàng xuất sang Lào với số lượng 100 vạn búp. Sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình còn lãi ròng trên 200 triệu đồng.
“Gia đình sản xuất hương hoàn toàn bằng thảo mộc, nhờ đó nên có rất nhiều đơn đặt hàng. Để kịp bàn giao cho khách, gia đình tôi thuê 10 lao động làm liên lục, cả ngày lẫn đêm vừa để nhập cho mối hàng quen, vừa nhập sang Lào”- anh Việt chia sẻ:
Chị Nguyễn Thị Hân - Xóm Trường Lân xã Nghi Trường - Nghi Lộc phấn khởi được tạo việc làm với mức lương từ 3-4 triệu đồng. |
Làng nghề hương thẻ Tây Lân Nghi Trường hiện có 13 hộ chuyên sản xuất hương, với 100 lao động thường xuyên và hơn 150 lao động thời vụ. Theo bà con làng nghề, nghề làm hương không cần thời gian cụ thể mà lúc nào có thời gian nông nhàn thì bà con tranh thủ làm. Hương ở đây đa dạng mẫu mã và chủng loại như hương thẻ, hương trầm..., kích cỡ tùy vào đơn đặt hàng. Làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thêm thu nhập.
Trong lúc hoạn nạn, sức khoẻ yếu không làm được việc nặng nhờ gia đình anh Việt tạo điều kiện nhận vào làm hương mà tôi có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Công việc làm hương nhẹ nhàng, ai cũng có thể làm được. Mỗi ngày tôi được làm được trên 120 ngàn đồng. Nhờ đó Tết năm nay gia đình tôi đón Tết ấm no, sung túc hơn” - chị Nguyễn Thị Hân, ở xóm Trường Lân, xã Nghi Trường phấn khởi nói.
Để phát triển làng nghề, năm nay các hộ làm hương chọn giải pháp sản xuất hương hoàn toàn bằng thảo mộc, bởi ưu điểm của hương làm bằng thảo mộc, không dùng hoá chất nên không gây độc hại đối với sức khoẻ người sử dụng, cũng như người trực tiếp sản xuất, mùi thơm dễ chịu, được khách hàng tin dùng.
Làng nghề hương Tây Lân phát triển đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động |
Cùng với nguồn vốn 350 triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh, cộng thêm nguồn lực từ các gia đình, đến nay, 100% hộ sản xuất hương đã đầu tư mua sắm máy móc và trang thiết bị làm hương như máy trộn nguyên liệu, máy bắn que. Trung bình mỗi gia đình làm hương có từ 3 -5 máy làm hương theo công nghệ mới. Máy móc trang thiết bị hiện đại nên sản phẩm làm ra vừa đẹp, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Trung bình mỗi ngày làng nghề hương thẻ Tây Lân Nghi Trường sản xuất ra từ 6-7 vạn thẻ hương các loại, cao điểm như tháng 10,11,12 từ 10-12 vạn thẻ hương các loại. Hiện tại mỗi thẻ hương có giá trung bình từ 1.500 – 3.500 đồng. Đối với hương thẻ xuất khẩu sang Lào, có giá trung bình từ 700 đ- 4000đ/thẻ. Thông qua làng nghề hàng năm đã góp phần tạo việc làm mới cho gần 150 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5- 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ khá giàu trong làng tăng lên trên 75%.
Ông Nguyễn Doãn Tấn - làng nghề hương thẻ Tây Lân cho biết: “Năm nay bà con làng nghề rất phẩn khởi, bởi sản phẩm hương thẻ có nhiều đơn đặt hàng, đặc biệt đơn đặt hàng từ đất nước Lào. Ba tháng trở lại đây, các hộ làm hương tăng cường nhận thêm lao động thời vụ, sản xuất cả ngày lẫn đêm để kịp giao cho khách. Từ khi có làng nghề, đời sống hộ dân khởi sắc hơn trước. Có việc làm ổn định, bà con làng nghề phấn khởi sản xuất, chia sẻ trao đổi các kinh nghiệm. Kinh tế phát triển, bà con đồng lòng tham gia quyên góp xây dựng nông thôn mới”.
Một mùa xuân nữa lại về, người dân làng nghề trên địa bàn huyện Nghi Lộc càng phấn khởi hơn khi đời sống ngày một khấm khá, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn góp phần trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin