Kinh tế

Triển vọng phát triển thực phẩm sạch từ mô hình trồng nấm ở Tân Kỳ

18:19, 20/03/2021
Để góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả, huyện Tân Kỳ khuyến khích các địa phương chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng nấm, hiện đang được xem là mô hình triển vọng, có bước phát triển rõ rệt cả về quy mô lẫn chất lượng. Mô hình này vừa khai thác tốt tiềm năng lợi thế vừa tạo việc làm và nâng cao nguồn thu nhập cho người dân

Cơ sở sản xuất nấm của Công ty cổ phần sinh học An Hà tại xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ là mô hình trồng nấm đầu tiên trên địa bàn huyện. Với diện tích nhà xưởng 65.000 m2, cơ sở đã đầu tư dây chuyền máy móc trong các công đoạn của chuỗi sản xuất như xây phòng lạnh bảo quản giống và nấm; đầu tư lắp đặt lò hơi để sấy nấm mộc nhĩ, linh chi; xây dựng hệ thống buồng lò hấp bịch nấm, hệ thống phòng cấy giống có đèn UV đạt tiêu chuẩn vô trùng để nấm phát triển một cách tốt nhất.

Mỗi công đoạn sản xuất nấm được chia thành từng khu riêng, bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật như khu sản xuất giống, khu đóng bịch, khu trồng và khu bảo quản sản phẩm. Hàng năm, cơ sở sản xuất này đã tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở sản xuất nấm của Công ty cổ phần sinh học An Hà tại xã Kỳ Sơn là mô hình trồng nấm đầu tiên trên địa bàn huyện Tân Kỳ.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thái xóm Diễn Nam xã Kỳ Tân cho biết: “Tôi làm việc tại công ty đã 10 năm, nghề này  không vất vả và lương 4 triệu đồng/tháng nên đủ trang trải cho bản thân và gia đình".

Mô hình trồng nấm đã tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 triệu đến 5 triệu đồngngườitháng.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất được hơn 4 vạn bịch nấm đảm bảo chất lượng và mỗi ngày sản phẩm nấm tươi xuất bán ra thị trường từ 2 đến 3 tạ, chủ yếu là nấm sò. Chỉ tính riêng năm 2020, cơ sở đã sản xuất được gần 48 vạn bịch nấm các loại với tổng sản lượng nấm tươi thu về hơn 400 tấn và 2 tấn nấm khô là mộc nhĩ và linh chi. Doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi ròng hơn 1,2 tỷ đồng.

Mô hình trồng nấm đã khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội, mở ra hướng phát triển thực phẩm sạch tại Tân Kỳ.

Chúng tôi luôn tuân thủ các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm và lấy nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, nấm được thu hoạch và tiêu thụ trong ngày" - ông Lương Duy Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần sinh học An Hà trao đổi.

Từ hiệu quả cơ sở trồng nấm của Công ty An Hà, hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã xuất hiện thêm nhiều cơ sở sản xuất nấm với quy mô khá lớn tại xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Hoàn và Thị Trấn, tạo thêm việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nữ nông thôn.  

“Hàng năm chúng tôi đã khảo sát nhu cầu học nghề của chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Tân Kỳ, nghề trồng nấm được chị em lựa chọn rất đông. Sau khi học nghề chị em đã được các cơ sở trồng nấm trên địa bàn tạo việc làm tại chỗ để có thu nhập ổn định”  -  bà Nguyễn Thị Anh Trâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tân Kỳ cho biết thêm.

Hiện nay trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất được hơn 4 vạn bịch nấm đảm bảo chất lượng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Tân Kỳ có thêm nhiều cơ sở sản xuất nấm với quy mô khá lớn.

Cùng với việc áp dụng có hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, nghề trồng nấm phát triển  đem lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhàn rỗi sau mùa vụ. .

Cẩm Tú  - Bông Mai

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện