Thịt cá, rau củ, hàng hoá thiết yếu đầy chợ, đầy kho
Ngày đầu tiên sau khi Nghệ An ghi nhận một ca bệnh lây nhiễm ở cộng đồng tại xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai), có 5 thôn tại địa phương này đã bị phong tỏa để dập dịch. Điều đáng ngạc nhiên là tại các cửa hàng, siêu thị mini, ở TX. Hoàng Mai chiều tối ngày 6/5 đã quá tải vì lượng khách hàng đổ xô gom mua, vét sạch các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng... buộc các cửa hàng lại phải "kéo" thêm hàng về dự trữ, đưa hàng lên đầy quầy kệ, thì đến sáng ngày 7/5 chỉ còn lác đác vài khách hàng đến mua sắm.
Chiều tối ngày 6/5, ở TX. Hoàng Mai quá tải vì lượng khách hàng đổ xô gom mua, vét sạch các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng. |
Trái ngược với không khí bán mua nhộn nhịp ngày thường, chợ Vinh - chợ đầu mối lớn nhất Nghệ An ngày 7/5 vắng hoe, số lượng người bán, người mua đã trở nên thưa thớt. Các hàng quán ăn uống dọc bên hông chợ thường ngày xôm tụ nay hầu như không có khách. Các sạp hàng tươi sống như thịt, cá, rau, củ, quả, bún,… đầy ắp nhưng vắng khách, giá cả ổn định. Theo bà Nguyễn Thị Mai - tiểu thương kinh doanh tại chợ Vinh, người dân đã có kinh nghiệm từ các đợt dịch trước nên không ồ ạt đến mua hàng như trước nữa.
Ngồi bán cà phê, nước giải khát bên hông chợ, chị Trần Thị Hòa (37 tuổi) cho biết, từ sáng nay khách không còn đến chợ đông nữa, ngay cả khách tới mua nước mang đi cũng hiếm hoi, nên chủ yếu chị bán nước cho các tiểu thương đang hoạt động trong chợ. "Cố gắng được bao nhiêu hay bấy nhiêu, con nhỏ mình đâu ở nhà được. Tôi cũng lo nên đeo khẩu trang, dùng gel rửa tay liên tục", chị Hoà nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Võ Thị Thảo - Giám đốc Công ty TNHH Nam Long cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản của Sở Công Thương, đơn vị đã chủ động nhập hàng, đủ cung ứng cho người dân trong dịp dịch này với giá cả ổn định."Từ chiều qua, tại kho đã xuất 30 ngàn thùng mỳ tôm, còn mặt hàng dầu ăn, sữa, bột ngọt… xuất đều đi các đại lý trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu hàng hoá từ chiều qua đến nay tăng hơn 3 lần so với ngày thường. Riêng mặt hàng nhu yếu phẩm thì đảm bảo dồi dào thậm chí dịch kéo dài cũng đủ cung ứng", Bà Thảo nói.
Hàng hoá nhu yếu phẩm tại kho đảm bảo cung ứng ra thị trường. |
Còn tại kho gạo của Công ty Lương thực Thanh - Nghệ - Tĩnh, bà Trương Thị Hoè - Phó Giám đốc công ty - cho biết: Tổng kho của công ty có thể chứa tới 500 tấn. Những ngày này, lượng hàng hoá xuất nhập ổn định không biến động, dân không dự trữ như những đợt dịch trước, mỗi ngày trung bình từ 15-20 tấn gạo xuất kho. Cho dù dịch kéo dài thì nguồn hàng vẫn đảm bảo.
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi vắng người
Còn tại các siêu thị, lượng hàng hóa vẫn dồi dào và các sản phẩm có sức mua tăng được chêm hàng liên tục dù số lượng người đi siêu thị đã giảm hẳn.
Ghi nhận ở hàng loạt siêu thị BigC, Vinmart, Maximark, Metro… ngay từ cổng đã có các xe hàng "tiếp tế" các loại hàng hóa thiết yếu như mì gói, sữa, dầu ăn... bên trong siêu thị, từ mặt hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, xà bông... cho đến hàng gia dụng, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm tươi sống như rau, cá, thịt, trứng... đều đầy ắp.
Siêu thị rất ít khách mua sắm. |
Ông Trần An Khang - Giám đốc BigC Vinh - cho biết: Lượng hàng hoá của siêu thị dồi dào, giá cả ổn định, bà con yên tâm thoải mái mua hàng… nếu ngại tụ tập đông người, siêu thị còn có dịch vụ mang đến tận nhà.
Còn tại siêu thị Maximark lượng khách mua sắm vào buổi trưa khá khiêm tốn, bên trong siêu thị chỉ khoảng 10 khách hàng trong khi lượng hàng hóa trên các kệ dồi dào.Trong đó, các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như rau, thịt, gạo, dầu ăn, đồ khô... vẫn đầy ắp. Theo nhân viên tại siêu thị, lượng khách đến siêu thị vào buổi sáng đã giảm mạnh so với ngày hôm trước.
Tuy vậy, để đảm bảo đủ lượng hàng cung cấp cho người dân, siêu thị đã tăng cường hàng về kho và châm hàng lên kệ nhanh chóng, những mặt hàng bị vơi ngày hôm qua đã được cấp tốc bổ sung ngay trong buổi sáng ngày hôm sau... vị đại diện siêu thị này cho biết.
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Công Thương đã kịp thời tham mưu các ban ngành chỉ đạo cho UBND các huyện, thị xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm thương mại cũng như các chợ truyền thống trên địa bàn. Ngay trong chiều ngày 7/5, qua kiểm tra tại một số chợ truyền thống, siêu thị, kho hàng… thì lượng hàng hoá dồi dào, phong phú giá cả ổn định. Nếu dịch bệnh kéo dài, ngành Công Thương theo dõi bám sát nguồn cung - cầu và giá cả trên thị trường và có các giải pháp cung ứng hàng cho bà con một cách đầy đủ. Qua kiểm tra, lượng hàng hoá trong tỉnh đang rất dồi dào, giá cả ổn định, bà con không nên tích trữ hàng hoá vì tập trung đông càng gây nguy hiểm dịch bệnh, và mất an ninh trật tự, gây khó cho việc phòng chống dịch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin