Kinh tế

Nghệ An: Nguy cơ tắc nghẽn nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19

19:41, 13/05/2021
 Dịch Covid-19 đã lan ra 26 địa phương, một số địa phương đã thực hiện phong tỏa diện hẹp từng khu vực, cách ly xã hội diện rộng để chặn sự lây lan của dịch. Tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện phong toả cục bộ ở một số vùng có dịch. Theo người dân, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là một trong nhiều lý do khiến giá nhiều loại nông sản xuống thấp chạm đáy vẫn chưa có người mua.

Nông sản nằm ruộng chờ giải cứu

Tại Nghệ An, vụ dưa hấu năm nay, nông dân huyện Nghĩa Đàn gieo trồng hơn 350ha. Thời điểm này, dưa đang rộ mùa thu hoạch, nhưng do dịch covid-19 trong nước bùng phát trở lại nên đầu ra cho loại quả này rớt giá thê thảm. Nếu như năm trước, giá dưa tại ruộng là 7.000 - 8.000 đồng/kg thì năm nay xuống còn 3.000 - 4.500 đồng/kg. Giá rớt là vậy nhưng vẫn không có người mua, nông dân buộc phải bán lẻ từng quả, thời điểm này hàng ngàn tấn dưa hấu của người dân đang nằm ruộng chờ người thu mua. 

Đang rộ mùa thu hoạch nhưng hàng ngàn tấn dưa hấu ở Nghĩa Đàn không có thương lái tới mua.

Anh Trần Đình Dũng - người đứng ra kết nối tiêu thụ dưa cho bà con trên mạng xã hội cho biết: “Dưa năm nay ngọt, màu đỏ đẹp, giá rẻ mà không biết bán cho ai nên lên mạng xã hội kết nối tiêu thụ cho bà con nhưng cũng chẳng ăn thua. Các mùa trước, dưa Nghĩa Đàn thường tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc. Nhưng năm nay, dịch bùng phát mạnh, các tỉnh phía Bắc đang thực hiện giãn cách nên thương lái ngừng thu mua dẫn đến dưa ế ẩm…”.

Không chỉ dưa hấu, vụ bí xanh năm nay được gieo trồng trên các vùng đất bãi ở Đô Lương đạt năng suất rất cao, thế nhưng giá đang giảm thấp, nên thời điểm này bà con đang chất bí đầy ngoài đồng, người nông dân trồng bí đang bí đầu ra.

Gia đình anh Phùng Văn Dũng ở xã Lưu Sơn (Đô Lương) năm nay trồng 2,2ha bí xanh trên vùng đất bãi ven sông Lam, do được mùa nên sản lượng cao 4 tấn/sào, hiện trên ruộng nhà anh còn 200 tấn chưa bán được. Năm nay thu hoạch lại trùng đợt dịch kéo dài, thương lái không tới mua, nên giá bí ngay từ đầu mùa sụt giảm xuống dưới 5 ngàn đồng/kg tận ruộng cũng không có ai mua. "Vụ này đầu tư trên 400 triệu đồng, đảm bảo bí sạch 100% nhưng hiện nay rất khó khăn trong đầu ra, mong được mọi người giải cứu… " - anh Dũng nói. 

Bí đã thu hoạch nằm chất đống ngoài đồng.
Bí đã thu hoạch nằm chất đống ngoài đồng.

“Thực hiện chủ trương cải tạo vùng đất bỏ hoang, nhiều bà con nông dân đã đầu tư trồng bí xanh trên vùng đất bãi và đạt hiệu quả sản lượng cao, tuy nhiên do giá thị trường, thêm nữa do dịch bệnh Covid-19 nên giá xuống rất thấp, rất cần mọi người chung tay mua bí để hỗ trợ người nông dân…”- ông Trần Thanh Trung, Phó Bí thư Đảng ủy xã Lưu Sơn, Đô Lương chia sẻ.

Giải pháp nào hữu hiệu?

Vấn đề mấu chốt hiện nay, sức mua thị trường nội tỉnh giảm, lại gặp dịch Covid tái phát ở một số tỉnh, khiến việc thông thương gặp khó khăn, nên rau củ quả lâm vào cảnh dư thừa. Theo ghi nhận của Báo Công Thương, thời điểm này, ở một số địa phương như Nam Anh, Nam Xuân (Nam Đàn) rau củ rẻ như cho. Các loại rau, quả như bí, mướp, mướp đắng, dưa chuột, cà… giá đều chạm đáy. Hay ở vựa rau Quỳnh Minh, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), giá cả các loại rau như: cà chua, mướp đắng, hành lá, bí xanh… đang sụt giảm mạnh, đầu ra gặp khó khăn.

Theo quan sát của phóng viên, hiện vẫn tồn tại một nghịch lý, trong khi rau củ “nằm” ngoài đồng giá rẻ như cho, trong siêu thị giá rau vẫn ổn định và bán khá “chạy”.

 

Trong khi giá rau củ, quả ngoài đồng rớt giá, thì tại các siêu thị trên địa bàn Nghệ An giá các mặt hàng này vẫn ổn định và bán khá "chạy".

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần An Khang - Giám đốc BigC Vinh - cho biết, những cuộc giải cứu thời gian qua của bà con nông dân đa phần là do người dân trồng tràn lan, chất lượng không được kiểm soát một cách chặt chẽ, không truy xuất được nguồn gốc, trong khi rau bán tại siêu thị bắt buộc phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, nên những loại rau này đương nhiên sẽ bán với giá cao hơn. Kể cả khi siêu thị muốn thu mua nông sản cho bà con cũng không thể vì không chứng minh được nguồn gốc sản phẩm thì siêu thị cũng gặp khó khăn trong việc thu mua cho bà con...”.

Để tháo gỡ những khó khăn, phòng ngừa tình trạng dồn ứ nông sản trong đại dịch, trước mắt, ngành Công Thương Nghệ An đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn triển khai xử lý, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thu mua, tiêu thụ nông lâm thủy sản của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, hộ sản xuất; tổ chức các hoạt động kết nối với hệ thống các cơ sở chế biến, phân phối trên địa bàn. Các hộ sản xuất, HTX, địa phương phải chủ động tìm cách kết nối tiêu thụ bằng nhiều kênh khác nhau, chuyển đổi phương thức bán hàng và cần có sự định hướng, chung tay của các cấp, các ngành.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Nghệ An - cho rằng: Nghệ An đã xác định được những vùng trọng điểm sản xuất rau, củ quả, lâu nay tỉnh đã có những giải pháp kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, năm nay thời tiết quá thuận lợi, rau vụ đông phát triển nhanh, mạnh, nên “cung vượt quá cầu”.

Về lâu về dài, theo ông Đức, người nông dân vùng trồng rau chuyên canh phải sản xuất theo quy trình sinh học; cần có hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước vụ sản xuất. Muốn làm được như vậy phải có HTX và doanh nghiệp vào cuộc làm “bà đỡ” cho nông dân. Cùng với phát triển vùng trồng nông sản phải đi đôi với chế biến hoặc xây dựng các kho lạnh để bảo quản lâu dài chờ khi nguồn cung thiếu sẽ bán ra. Hiện nay, một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đã xây dựng kho lạnh, đến vụ thu hoạch, họ thu mua sông sản cho bà con, sau đó điều tiết ra thị trường.

"Trong quá trình xây dựng mô hình, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra giám sát và hướng dẫn nông dân, gia trại sản xuất đúng quy trình, tạo điều kiện công nhận các vùng sản xuất rau củ quả an toàn theo mô hình sản xuất hữu cơ; tuyên truyền người tiêu dùng tin dùng các sản phẩm rau củ quả sạch, an toàn, có nhãn mác tại siêu thị. Nói không với sản phẩm không an toàn để dần thay đổi thói quen sản xuất tùy tiện, thiếu an toàn…", ông Đức nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Quy luật được mùa mất giá, cũng là yếu tố tự nhiên, bởi ở Nghệ An sản xuất chưa đi đôi với chế biến. Chưa có sự liên kết với nhà sản xuất với nhà tiêu thụ sản phẩm, nên lâu nay nông dân vẫn bơi tự do giữa “sóng gió "thị trường...".

 

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện