Thị trường

Sản xuất trà bí đao sấy khô - đầu ra cho quả bí xanh thời Covid-19

09:42, 30/06/2021
Năm nay hầu hết các loại cây trồng đạt năng suất cao nhưng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường bế tắc khiến viêc tiêu thụ các loại rau, củ quả gặp khó. Chị Bùi Thị Hương – hội viên Chi hội phụ nữ xóm 3 xã Nam Anh, huyện Nam Đàn đã sử dụng bí xanh (bí đao) làm nguyên liệu chế biến trà, góp phần giải quyết đầu ra ổn định cho quả bí xanh tại địa phương.

Năm nay, bà con xã Nam Anh, huyện Nam Đàn trồng được trên 20ha bí xanh. Diện tích trồng được nhân rộng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ không ổn định, đầu ra bị đình trệ nên bí xanh rơi vào cảnh rớt giá, giá bán có thời điểm chỉ dao động từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trước thực tế đó, chị Bùi Thị Hương đã nảy ra ý tưởng sản xuất trà bí đao. Dựa trên dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ sẵn có của gia đình, chị Hương đã liên kết với chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đứng ra thu mua toàn bộ bí xanh để sản xuất trà, giúp người dân có nơi tiêu thụ ngay tại địa phương.

Quả bí đao sau sơ chế, thái lát được đưa vào sấy khô.

Cơ sở sản xuất trà bí đao của chị Hương đã thu mua được hàng chục tấn bí xanh tươi của bà con trong xã và sản xuất được 4-5 tạ trà bí đao thành phẩm để cung cấp ra thị trường. Về quy trình sản xuất, bí xanh tươi sau khi thu mua về được làm sạch, thái lát, đem sấy khô rồi đóng gói thành từng hộp để pha trà. Ngoài nguyên liệu bí xanh khô, trà bí đao còn có thêm quả La Hán, hạt chia, lá dứa giúp sản phẩm có vị ngọt thanh, mùi vị đặc trưng. Sản phẩm có nhiều tác dụng như: thanh nhiệt, mát gan, giải độc cơ thể, hỗ trợ hiệu quả cho người cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch… Sản phẩm có đủ nhãn mác, bao bì và tem truy xuất nguồn gốc. Giá bán trà bí đao 100.000 đồng/1kg.

Ngay khi đưa ra thị trường, trà bí đao sấy khô đã được người tiêu dùng tin tưởng, hiện mặt hàng này được nhiều người biết đến và tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh… Sản phẩm trà bí đao sản xuất ra đến đâu được khách đặt mua hết đến đó. Theo tính toán, cứ 25kg bí xanh tươi sản xuất được 1kg bí xanh khô thành phẩm. Trừ hết các chi phí đầu tư, nhân công trung bình 1kg bí, cơ sở thu lãi từ 30.000 đến 40.0000 đồng. Như vậy bình quân mỗi năm, từ sản xuất trà bí đao sấy khô đem về cho gia đình chị Hương nguồn thu 200-250 triệu đồng lãi ròng.

25kg bí xanh tươi được 1kg trà bí đao sấy khô thành phẩm.

Chị Hương chia sẻ: "Hai năm trở lại đây, thị trường tiêu thụ bí xanh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, đầu ra của bà con bị tư thương ép giá nên tôi đã quyết định mở xưởng sản xuất trà để tạo đầu ra cho quả bí xanh ngay trên quê hương mình. Sản phẩm thực hiện đúng quy trình, vấn đề ATVSTP luôn được đặt lên hàng đầu nên sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước”.

Sản xuất trà bí đao sấy khô là mô hình mới trên địa bàn xã Nam Anh, bước đầu đã bao tiêu được toàn bộ sản lượng bí xanh của bà con trên địa bàn, tạo việc làm cho 6 lao động. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để cơ sở phát triển ổn định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để trà bí đao được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, gắn với đó là vận động người dân mở rộng diện tích, năng suất, sản lượng quả bí xanh; đồng thời nhân rộng mô hình này, bà Lê Thị Hoa - Phó Chủ tịch hội LHPN xã Nam Anh nói với phóng viên.

Hiệu quả bước đầu của mô hình sản xuất trà bí đao sấy khô của gia đình chị Bùi Thị Hương không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, mà còn giải quyết đầu ra cho quả bí xanh trên địa bàn, nhất là vào thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ hàng nông sản. 

Hồng Sương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện