Kinh tế

Nuôi dê bằng phương pháp ủ chua thức ăn mang lại hiệu quả cao ở Anh Sơn

10:06, 11/08/2021
Những năm gần đây, bà con nông dân huyện Anh Sơn đã đầu tư phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa, đặc biệt là áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn vừa nhàn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình nuôi dê thịt, đầu năm 2020, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn 4, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại với quy mô lớn để nuôi dê Boer lai bách thảo. Trang trại được bố trí rất ngăn nắp và khoa học với diện tích 200m2, được xây thành 2 dãy chuồng, trong đó phân thành 12 ngăn nhốt riêng dê đực, dê cái, dê thịt và dê nuôi hậu bị.

Trang trại nuôi dê với diện tích 200m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn 4 xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn.

Đặc biệt, trong quá trình chăn nuôi, hai vợ chồng chị Thủy đã áp dụng phương pháp ủ chua thức ăn cho dê, vừa giúp tăng cường khả năng kháng bệnh cho dê nhất là trong mùa nắng nóng, vừa gia tăng chất lượng thịt dê thương phẩm. Nguyên liệu chủ yếu là cỏ, thân cây ngô, rơm rạ... Sau sơ chế thêm mật, muối, bột ngô trộn đều cho vào hố hoặc túi ni lông để ủ chua khoảng 10 ngày. Thức ăn này có thể bảo quản trong vòng 4- 6 tháng.

Tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như lá ngô, ngọn mía, rơm để ủ chua làm thức ăn cho dê.

Thay vì nuôi dê theo hình thức chăn thả thông thường, anh Bùi Văn Boy ở thôn 4 xã Đức Sơn xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để chăn nuôi dê nhốt chuồng có hiệu quả, anh Boy đã đến một số địa phương khác để học hỏi kiến thức, kỹ thuật chăm sóc; Đồng thời bỏ thời gian đi tìm hiểu thị trường, tìm nguồn giống tốt, chất lượng cao; đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ và mua máy móc, thiết bị nghiền thức ăn cho dê.

Theo anh Boy, nuôi dê theo mô hình nhốt chuồng có rất nhiều lợi thế, vừa quản lý tốt khâu phòng chống dịch bệnh, vừa có điều kiện chăm sóc, quản lý, nâng cao chất lượng đàn dê. Trong quá trình chăn nuôi, anh đã tham khảo trên mạng cách ủ chua thức ăn để dự trữ và tăng sức đề kháng cho dê, nhờ đó mang lại hiệu quả cao cho gia đình. Mỗi năm anh nuôi 3 lứa, bình quân mỗi lứa có khoảng 30- 40 con dê vỗ béo và bán cho các nhà hàng trên địa bàn. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn dê vỗ béo của gia đình tăng trưởng bình quân từ 5-7 kg/con/tháng. Với mức giá thương phẩm khi xuất bán từ 140.000-160.000đ/kg, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, mỗi năm gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng.

aaa
Mô hình nuôi dê của anh Bùi Văn Boy ở thôn 4, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Sơn cho biết: Xã Đức Sơn có diện tích đất đồi rừng lớn nên những năm gần đây nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã đã phát triển mô hình nuôi dê vừa chăn thả vừa nuôi nhốt. Ngoài thức ăn sẵn có, nhiều hộ chăn nuôi đã tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như lá ngô, ngọn mía, rơm để ủ chua làm thức ăn cho dê. Phương pháp này rất hiệu quả, hội cũng đã nhân rộng ra để các hộ chăn nuôi dê áp dụng. Để hỗ trợ người dân chăn nuôi dê phát triển bền vững, thời gian qua Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đứng ra ủy thác và đã tạo điều kiện cho gần 100 hội viên được tiếp cận nguồn vốn với mức dư nợ gần 4,5 tỷ đồng đầu tư trồng trọt, chăn nuôi trong đó có mô hình nuôi dê; Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi dê để bà con nông dân phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.

Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, để từng bước xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống của bà con, huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các ban ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi; định hướng các hộ dân trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn; quy hoạch vùng chăn nuôi, góp phần phát triển mạnh mô hình nuôi dê và mang lại hiệu quả cao.

Thái Hiền

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện