Kinh tế

Quỳnh Lưu: Đặt bẫy Pheromone diệt trừ sâu gây hại hành hoa

17:39, 25/08/2021
Trước nạn sâu keo, sâu xanh phá hoại nhiều diện tích rau màu, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu đang thử nghiệm đặt bẫy Pheromone và bẫy bả chua ngọt tại một số cánh đồng để diệt trừ sâu bệnh.

Hơn 1 tháng nay, người dân các xã vùng bãi ngang Quỳnh Minh, Quỳnh Lương và Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) luôn tìm mọi cách để phòng trừ nạn sâu keo, sâu xanh phá hoại hành hoa. Với nhiều biện pháp phòng trừ như: sử dụng 4 loại thuốc hóa học và thuốc sinh học để phun trừ nhưng vẫn không thể diệt được loại sâu bệnh gây hại này. Do vậy, trên một số cánh đồng, nhiều diện tích hành hoa đã bị sâu bệnh gây hại, thiệt hại từ 70 – 80 % diện tích.

Hàng trăm ha hành hoa của nông dân Quỳnh Lưu bị sâu gây hại.

Trước tình hình sâu bệnh gây hại trên cây hành hoa, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã thử nghiệm đặt bẫy Pheromone tại cánh đồng xóm 4, xã Quỳnh Lương. Pheromone là chất dẫn dụ giới tính có tác dụng thu hút trưởng thành của sâu hại được sử dụng trong dự báo tình hình và phòng trừ một số đối tượng sâu hại.

Mỗi con bướm khi đậu trên cây hành hoa sẽ đẻ từ 500 – 2.000 quả trứng.

Ông Nguyễn Tiến Liên – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Sâu keo, sâu xanh là đối tượng rất khó phòng trừ do kháng thuốc rất mạnh, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật không có thuốc đặc trị để phòng trừ. Trước tình hình đó, đơn vị đã đề xuất với Trung tâm BVTV vùng 4 xin hỗ trợ bẫy Pheromone để thử nghiệm trên cánh đồng hành hoa để diệt trừ sâu bệnh. Sau một thời gian thử nghiệm, việc sử dụng bẫy Pheromone ưu điểm lớn nhất là không gây độc hại đối với con người, bảo vệ thiên địch có ích và môi trường sinh thái, song vẫn khống chế tốt quần thể sâu phát sinh, phát triển trên đồng ruộng, giúp giảm số lần sử dụng thuốc BVTV trong vụ mà vẫn đảm bảo hiệu quả phòng trừ”.

Để không cho sâu sinh trưởng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thử nghiệm đặt bẫy Pheromone để diệt trừ bướm cái trước khi chúng sinh nở.

Bẫy Pheromone được đặt trên giá treo bẫy có thể làm bằng gỗ hoặc tre, đóng hình chữ L, chiều cao 100 cm, chiều dài thanh ngang từ 25 - 30 cm để buộc bẫy. Mồi Pheromone có hình quả chuông được treo vào trong bẫy theo chiều úp miệng xuống dưới bằng dây thép nhỏ. Bên trong bẫy sử dụng xà phòng bột hoà vào nước với nồng độ 0,1% sau đó đổ vào bát nhựa, hộp nhựa, mục đích để trưởng thành sâu rơi xuống dính nước xà phòng và chết.

Đoàn công tác của huyện Quỳnh Lưu kiểm tra bẫy Pheromone.

Qua kiểm tra thực tế tại cánh đồng hành hoa có đặt bẫy Pheromone, chiếc bẫy đã thu hút và tiêu diệt hơn 100 con bướm cái; nếu 1 con bướm cái này sinh sản trên cây hành thì có thể đẻ ra từ 500 - 2.000 quả trứng, chúng sẽ phát triển thành sâu và phá hoại hoa màu.

Sau khi đặt bẫy Pheromone trong 1 đêm, đã có hơn 100 con bướm bị tiêu diệt.

Ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu) trao đổi “Toàn xã có 210 ha diện tích chuyên canh rau màu, trong đó cơ cấu 80 % diện tích cây hành hoa. Do ảnh hưởng sâu bệnh nên vụ hành hoa này, bà con thất thu hàng trăm triệu đồng. Để hạn chế nạn sâu phá hoại, địa phương tuyên truyền bà con thường xuyên thăm đồng để bắt sâu, vợt sâu. Đồng thời xử lý một số diện tích hành hoa không thể phục hồi để luân canh sang một số giống rau màu khác. Bên cạnh đó, xã sẽ đề nghị huyện hỗ trợ thêm một số bẫy Pheromone để tăng khả năng diệt sâu. Qua thời gian thử nghiệm, việc sử dụng bẫy Pheromone giúp giảm số lần phun thuốc BVTV từ 2 - 3 lần so với ruộng nông dân không sử dụng mà vẫn đảm bảo việc phòng trừ các đối tượng sâu hại (sâu tơ, sâu khoang, sâu đục quả cà chua, sâu xanh gây hại hành hoa); thời gian tới, địa phương sẽ áp dụng liên tục trong các mùa vụ để phòng trừ các loại sâu bệnh”.

Đây là loại sâu bệnh kháng thuốc rất mạnh và không có thuốc đặc trị nên bà con chỉ còn cách dùng vợt đuổi bắt.

Ngoài sử dụng phương pháp đặt bẫy Pheromone, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện còn triển khai đặt bẫy bả chua ngọt trên một số cánh đồng. Mùi chua ngọt của dung dịch bả hấp dẫn trưởng thành sâu keo) đến ăn thêm trước khi giao phối, đẻ trứng. Khi vào bẫy, thuốc BVTV sẽ làm cả trưởng thành đực và cái ngộ độc chết. Để chế ra bẫy bả chua ngọt, cần chuẩn bị 4 phần giấm, 4 phần mật, 1 phần nước và 1 phần rượu. Hiện nay, huyện đã triển khai 10 bẫy bả chua ngọt kéo dài trên một số cánh đồng; qua kiểm tra, mỗi bẫy bả chua ngọt như vậy thu hút từ 2 – 5 con bướm bay vào dính bẫy.

Với việc thử nghiệm các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nông dân huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục theo dõi để có hướng nhân rộng mô hình; đồng thời bà con cũng thường xuyên bám đồng để chăm sóc, phòng trừ, bảo vệ hoa màu bằng các biện pháp thủ công.

 

Việt Hùng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện