Kinh tế

Hiệu quả kinh tế từ "cầu nối" các mô hình tổ hợp tác giúp nông dân làm giàu

12:12, 09/10/2021
Thực hiện đề án “Nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác trong nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2019-2023”, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã xuất hiện nhiều tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả. Đề án đã hỗ trợ các tổ viên về vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thông qua các chính sách kích cầu của huyện, xã và xu hướng người dân là phát triển nền chăn nuôi bền vững, tháng 10/2019, Tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò sinh sản xóm Nghĩa Nhân, xã Nghĩa Hưng được hình thành với 15 thành viên. Mặc dù chỉ mới hoạt động được gần 2 năm nhưng bước đầu chính quyền địa phương và các hộ dân khẳng định đây là mô hình phù hợp điều kiện đất đai thổ nhưỡng, khai thác tối đa tiềm năng vùng đồi núi của xã.

Gia đình ông Lê Minh Đức ở xóm Nghĩa Nhân xã Nghĩa Hưng chăn nuôi trâu bò hơn 10 năm nay nhưng quy mô nhỏ lẻ. Từ năm 2019, sau khi được tham gia vào nhóm liên kết các hộ chăn nuôi trâu bò sinh sản của xã, ông Đức học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm ở các thành viên từ khâu lựa chọn con giống, kinh nghiệm chăm sóc phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc.

Mô hình chăn nuôi trâu bò của hộ gia đình ông Lê Minh Đức.

Ông Lê Minh Đức ở xóm Nghĩa Nhân xã Nghĩa Hưng cho biết: “Sau khi vào tổ hợp tác, gia đình được đi tham quan, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ dịch, bệnh trên đàn trâu, bò. Đặc biệt là học được kỹ thuật ủ chua thức ăn cho đàn bò, vừa giải quyết được khâu dự trữ thức ăn vào mùa khô, vừa tốt cho hệ tiêu hóa giúp đàn bò phát triển tốt. Gia đình tính mở rộng quy mô chăn nuôi”.

Việc phát triển kinh tế theo mô hình tổ hợp tác tạo sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư với nhau, cùng giúp nhau làm giàu và quan trọng nhất là khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên trong tổ được vay với lãi suất thấp. Nhờ nguồn vốn này, các thành viên trong tổ hợp tác đã đầu tư xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, mua thêm con giống và thu hút thêm người chăn nuôi tham gia tổ hợp tác. “Nếu như khi mới thành  lập, tổ hợp tác chỉ có 15 thành viên với 70 con trâu, bò thì đến nay đã tăng lên 25 thành viên với 130 con trâu, bò sinh sản”, ông Đức cho biết thêm.

Vườn na
Vườn na cho thu nhập khoảng 70 triệu/năm.

Tại xã Nghĩa Hiếu, có tổ hợp tác trồng Na diện tích 8ha, ở xóm Sơn Mộng được thành lập từ năm 2020, với 16 thành viên. Được biết trước đây, các thành viên chỉ trồng nhỏ lẻ, chưa áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng và năng suất thấp. Từ khi vào tổ hợp tác, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên quả na đều, có màu sắc đẹp, độ ngọt cao. Ông Hồ Minh Chính, tổ trưởng tổ hợp tác liên kết trồng Na, xóm Sơn Mộng, xã Nghĩa Hiếu cho biết: “Đến nay, có nhiều thành viên đã có thu nhập cao từ cây Na. Từ khi tổ hợp tác được thành lập, thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng, các thành viên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây na. Đặc biệt, khi có vườn cây của hộ nào xuất hiện tình trạng sâu bệnh, thì ngay lập tức các thành viên trong tổ sẽ xuống tận nơi để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để phòng và chữa trị bệnh kịp thời”.

Trồng trọt đúng phương pháp giúp cây cho quả đạt chất lượng và sản lượng cao.

Sau hơn 2 năm thực hiện đề án “Nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác trong nông nghiệp nông thôn”, đến nay, Hội nông dân Nghĩa Đàn đã có 23 tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi và có 2 tổ hợp tác xây dựng và mộc dân dụng hoạt động có hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề trong nông nghiệp, nông thôn. Việc hình thành các mô hình Tổ hợp tác ở huyện Nghĩa Đàn đã đem lại nhiều lợi ích, kinh nghiệm cho người nông dân, khắc phục được tình trạng sản xuất tự phát, đầu ra không ổn định và vấn đề được mùa mất giá. Ông Phan Thế Phương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: “Đến thời điểm nay Hội Nông dân huyện đã có chính sách hỗ trợ các tổ hợp từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; Tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng đầu vào, đầu ra các sản phẩm cho các tổ hợp tác; Đồng thời phát huy được vai trò làm “cầu nối” giữa nông dân với các cơ quan chuyên môn, giúp các thành viên thay đổi hình thức sản xuất, biết liên kết làm ăn với nhau để nâng cao chất lượng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập”.

Từ thành công của đề án “Nông dân tham gia phát triển tổ hợp tác trong nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2019-2023”, Hội Nông dân Nghĩa Đàn đã đưa nội dung thành lập tổ hợp tác, vào nhiệm vụ trọng tâm của Hội, trong đó chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục khảo sát nhu cầu để tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo ra sản phẩm có giá trị hàng hóa, tăng nguồn thu nhập kinh tế hộ gia đình theo hướng bền vững.

Minh Thái

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện